Một trung tâm tiêm ngừa COVID-19 ở Ireland ngày 12-1. Ảnh: Reuters
Một khi đợt lây nhiễm của Omicron khắp châu Âu giảm xuống, "trong vài tuần và vài tháng sẽ có khả năng miễn dịch tổng thể, do tiêm vaccine hoặc do miễn dịch vì mọi người mắc bệnh, cũng vì dịch bệnh giảm theo mùa”.
"Chúng tôi dự đoán rằng dịch COVID-19 sẽ yên ắng một thời gian trước khi trở lại vào cuối năm nhưng không hẳn đại dịch sẽ trở lại", ông Kluge nói.
Biến thể Omicron bắt đầu lây lan khắp toàn cầu từ cuối năm ngoái. Một số thông tin cho thấy dù có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể Delta nhưng Omicron thường ít gây bệnh nặng ở những người đã tiêm ngừa. Điều này làm tăng hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được như cúm.
Dù vậy, ông Kluge cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. "Mọi người nói nhiều về bệnh đặc hữu nhưng bệnh đặc hữu nghĩa là có thể dự đoán điều gì sắp xảy ra. Con virus (SARS-CoV-2) này khiến chúng ta bất ngờ hơn một lần và chúng ta phải cẩn thận", ông nói. Ông cũng cảnh báo có thể có biến thể khác xuất hiện vì Omicron đã lây lan quá rộng.
Những người ngồi trong quán cà phê ở Barcelona, Tây Ban Nha, phản ứng trước một người biểu tình phản đối chính sách giấy thông hành vaccine. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo của WHO châu Âu nhận định điều quan trọng với châu Âu là giảm thiểu ảnh hưởng của dịch lên các bệnh viện, trường học, kinh tế, bảo vệ người dễ bị tổn thương, hơn là áp dụng các biện pháp ngăn lây nhiễm. Tỉ lệ tiêm ngừa tại khu vực châu Âu theo phân cấp của WHO, gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước Trung Á, dao động từ 25% đến 95%.
Trong số 5,6 triệu người đã thiệt mạng vì COVID-19 trên toàn cầu, theo số liệu của AFP, có 1,7 triệu người ở châu Âu.
Tại Mỹ, nhà khoa học hàng đầu Anthony Fauci cũng bày tỏ sự lạc quan về tình hình dịch tại nước này vào ngày 23-1. Nói trên Đài ABC News, ông Fauci cho rằng hầu hết các bang ở Mỹ sẽ sớm qua đỉnh của đợt lây nhiễm biến thể Omicron.
"Nếu nhìn vào xu hướng dịch bệnh ở Nam Phi, Anh, Israel và tại khu vực đông bắc của Mỹ, khu vực New England và các bang vùng trung tây, những nơi này có thể đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm khá mạnh", ông nói khi dự đoán tình hình dịch ở Mỹ sắp thay đổi.
Tuần trước, văn phòng khu vực châu Phi của WHO cũng cho biết rằng các trường hợp mắc COVID-19 đã giảm mạnh ở khu vực này và số ca tử vong giảm lần đầu tiên kể từ khi đợt thứ tư do sự lây nhiễm Omicron đạt đến đỉnh điểm.
Tại Malaysia, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cũng bày tỏ hy vọng số ca mới tại nước này sẽ sớm giảm xuống dưới mốc 1.000 để có thể tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu. Số ca mắc COVID-19 mới tại nước này đã giảm xuống dưới mốc 4.000 ca vào ngày 23-1.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định xét nghiệm cho toàn bộ 2 triệu cư dân tại một quận xuất hiện ổ dịch mới, trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 sẽ chính thức khai mạc. Đại diện chính quyền Bắc Kinh cho biết thành phố xác định phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch lây lan càng nhanh càng tốt "thông qua các biện pháp cứng rắn, nghiêm ngặt và quyết liệt".
Trẻ em và phụ huynh xếp hàng chờ tiêm liều bổ sung tại một trung tâm tiêm ngừa ở Bangkok, Thái Lan, ngày 22-1. Ảnh: Reuters
WHO: Điều tệ nhất vẫn chưa qua
Bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cảnh báo các nước không nên nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi khi làn sóng dịch do biến thể Omicron giảm.
"Chúng ta có thể bước qua làn sóng mới nhất của Omicron. Ở nhiều quốc gia như Anh, nơi có mức độ miễn dịch cao do lây nhiễm và sự bao phủ tiêm ngừa, họ sẽ thấy sự khác biệt trong tương lai. Họ đang ở một giai đoạn khác của đại dịch.
Bà Kerkhove cho rằng dịch COVID-19 sẽ không kết thúc sau làn sóng dịch do biến thể Omicron và đây cũng không phải là biến thể cuối cùng.
Theo Tuổi trẻ Online