“Hạt mưa rơi bao lâu”. Lẽ thường, đây là một câu hỏi, câu hỏi đặt ra chờ một lời giải đáp. Tuy nhiên, ở xứ có nhiều mưa như Huế thì câu hỏi này lại như đã có sẵn câu trả lời nên không cần dấu hỏi chấm cuối câu.

Thời sinh viên, chúng tôi thường tụ tập trong một quán nhỏ bên sông An Cựu. Cái mái hiên vừa đủ để mưa khỏi tạt vào trong những ngày nước lên. Chân co ro để tránh mưa gây ướt chừng nào hay chừng đó. Lúc này, kỳ thi học kỳ vừa xong, thời gian rảnh rỗi càng khiến những đầu óc mơ mộng thi nhau khai triển ý tưởng. Cứ co ro nhìn mưa rơi lạnh rồi nảy ra ý lạ: “Hạt mưa rơi bao lâu/Rơi từ lưng chừng trời hạ thấp độ cao/Trên quãng rơi tạo âm giai mi thứ/Rải xuống đều khắp ngày mộng Diễm xưa”.

Khổ thơ không có tác giả cụ thể vì mỗi đứa chắp vào một ý thành ra tứ lạ. Hữu Tâm cầm ngay guitar phổ nhạc tại chỗ. Giai điệu Blues buồn buồn ngắt nhịp lơi lơi một chút thành ra Jazz pha chút âm hưởng Huế, sầu mà không bi. Cái ca khúc ngẫu hứng đó cứ kéo dài, kéo dài mãi ra suốt vài tiếng đồng hồ sau đó. Lời ca và tiếng guitar hòa lẫn trong mưa, khiến cho mưa như có màu sắc. Hạt mưa có linh hồn và rơi bao lâu thì chỉ có mưa mới biết. Tuổi trẻ cần gì biết hạt mưa rơi bao lâu...

Hơn hai chục năm sau, tôi về Hội An thăm lại Tâm khi lũ vừa tràn qua phố Hội. Những dấu vết bùn đất bên phía Cẩm Nam như vương mắc hoài niệm những cơn lũ dữ dội ngày xưa ngoài Huế. Để rồi nhắc lại những kỷ niệm ngồi ngắm mưa Huế. Tâm bây giờ đã có biệt danh “Tâm Hawaii” vì chủ sở hữu một nhà hàng “Guitar Hawaii” bên sông Hoài. Trên ban-công nhìn xuống dòng nước đục ngầu, Tâm hát bài tự sáng tác có nhắc đến những kỷ niệm mối tình trong mưa Huế “Đã bao lâu nay về thăm xứ Huế/nghe cỏ hờn, cây bàng hoàng, hoa ngẩn ngơ/Sương khói mong manh hay tình tôi ảo mộng/Xứ thâm trầm nên mù lối tim em” (Ca khúc “Nỗi buồn nghệ sĩ” - Sáng tác: Tâm Hawaii)

Lại là giai điệu Jazz-Blues đậm chất tự sự như ngày xưa. Mưa rải đâu đó trong từng câu nhạc của Tâm. Mưa len lỏi vào từng ngóc ngách của lời ca. Bạn tôi nặng lòng với Huế, chỉ có thể viết về mưa Huế khi đứng nhìn từ Hội An. Cần có một khoảng cách đủ xa để thấm hơn cái lạnh và mênh mang của mưa Huế. Mưa bên Thành nội cứ thâm trầm rơi bao lâu rồi để cho bạn tôi nặng lòng như thế? Tâm Hawaii - một người Hội An - dự định ngay khi dịch bệnh qua và Hội An bắt đầu đón khách trở lại, sẽ cho công bố những ca khúc viết về Huế trong một đêm nhạc tại nhà hàng mình. Bạn tôi còn đang ấp ủ một dự án dịch vụ - du lịch bên kia đèo Hải Vân, nơi có đầm Lập An không kém màu sương khói mỗi mùa mưa.

Một kỷ niệm khác về mưa Huế. Phúc - người có cùng ngày sinh với tôi - khi ngắm mưa Huế đúng ngày sinh nhật chợt đưa ra câu hỏi: “Anh có biết trên một mét vuông có bao nhiêu hạt mưa rơi xuống trong một giây không?”. Tôi ngây ra trước câu hỏi của Phúc. Phúc hỏi câu đó mà không đợi tôi trả lời. Rồi Phúc nói về dự án trang trại bạn ấy đang làm. “Trời mưa như thế này dễ làm cho dê cảm lạnh. Mưa nhiều quá cũng ảnh hưởng quá trình ra trái của cây trồng. Mưa hơi quá một chút, kèm theo lạnh kéo dài liên tục cũng ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của hoa tết”. Thì ra, Phúc đang lo mưa nhiều quá sẽ làm sai hết những tính toán trồng trọt, chăn nuôi đợt cuối năm - thời điểm được chờ đợi sẽ đem lại thu nhập bù cho cả năm nhọc nhằn. Phúc đã từng là một cán bộ phường, nhưng rồi cuối cùng chọn nghề làm nông và coi đó là nghề thích hợp nhất của mình.

Trong những ngày khó khăn của dịch COVID-19, Phúc thỉnh thoảng gửi lên nhà tôi những ký thịt heo, những bó rau xanh, những nải chuối vừa chín. Những món quà nhỏ đậm tình thân. Cuộc đời có những sự tri ân không biết bao giờ đền đáp nổi! Bạn tôi tâm sự: “Cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên Huế mình vẫn cần đến nông nghiệp anh à. Nông thôn vững chắc sẽ là điểm tựa cho đô thị. Đừng phụ đất, nếu không đất sẽ phụ người”. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao Phúc đặt câu hỏi “trời ơi đất hỡi”: “Có bao nhiêu hạt mưa rơi xuống một mét vuông đất trong một giây?” Câu hỏi không cần câu trả lời mà ẩn niềm đau đáu của bạn về quyết tâm vượt qua sự bất lợi của thời tiết xứ Huế để thu về thành quả nuôi trồng.

Nhà báo Diệu Hà, một đồng nghiệp của tôi làm trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, cách đây hơn 1 năm cho ra mắt tập tản văn “Ở xứ mưa không buồn”. Hôm ra mắt sách, chị nhờ tôi dẫn chương trình. Tôi thích cảm nhận của chị về mưa Huế: “Mùa mưa Huế kéo dài hàng tháng, người ghé chơi như bóng mây khó thấu hiểu mà thương Huế được. Mưa như cũng thấm, cũng ngấm vào người nên người Huế nói chuyện mưa mà vui, có lẽ vì trong máu người Huế có thành phần “mưa”… Nhớ có người đã từng chắc nịch “Ai đã “qua” được thử thách mưa Huế thì đó là người Huế”.

Tôi vẫn thường qua về đèo Hải Vân trong những ngày công tác giữa hai thành phố nên càng nhận rõ sự khác nhau giữa hai cơn mưa. Cũng là nước trên trời rơi xuống do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhưng mưa trên sông Hàn mạnh mẽ và mật độ giữa hai giọt mưa thưa hơn mưa trên sông Hương. Độ cao của các tầng mây phát xuất giọt mưa rơi xuống phía nam đèo Hải Vân có vẻ như cao hơn ở phía bắc. Trời mưa Huế như sẫm màu hơn, biên độ thấm vào nỗi nhớ da diết hơn. Da diết đến mức nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải thốt lên trong ca khúc “Diễm xưa”: “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”. Ngóng là ngóng cho mưa qua mà không biết bao giờ mưa qua. Người nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa đã biết rất rõ hạt mưa Huế sẽ rơi đến bao lâu…

“Hạt mưa rơi bao lâu”. Câu không hỏi và cũng không có câu trả lời. Câu trả lời sẽ có tự trong mỗi một người khi chìm sâu trong cơn mưa xứ Huế. Ai đó nói “Sau cơn mưa trời sẽ sáng”. Ánh sáng đi tới của một vùng đất tùy thuộc sự trì chí học tập của mỗi người. Huế là “đất học”, nhưng Huế cũng cần là “đất hành”. Nếu chỉ học mà không hành thì không thành tựu. Trái cây tươi mát của Phúc - người chủ trang trại nơi vùng ven Huế - vừa gửi tặng tôi trong những ngày giáp tết, là kết quả của vô số lộ trình “vừa học vừa hành”. Vùng đất nào “học xong hành được” là vùng đất nảy nở nhiều hoa sau những cơn mưa

Bài: Bùi Xuân Hòa - Minh họa: Thanh Quang