Cùng lãnh đạo các cấp kiểm tra tình hình bão, lũ trên địa bàn huyện Phú Vang

Bớt chông chênh

Từng cơn gió từ biển khiến chiều đông như càng thêm rét mướt. Nhưng trong căn nhà nhỏ ở tổ dân phố Tân Cảng (phường biên giới biển Thuận An, TP. Huế) thật ấm áp vì nụ cười tin cậy của bà Nguyễn Thị Thuận, người phụ nữ ngoài 80 tuổi, khi nắm chặt tay Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An.

Bà Thuận nói, lúc gặp những điều “khúc mắc”, chỉ có thể trải lòng với “chú Giáp”, bởi bà không bao giờ quên người chỉ huy đồn biên phòng đã cùng đồng đội kề vai giúp đỡ một người già neo đơn “xa lạ”, bằng tâm thế của những người ruột thịt.

Trung tá Lê Khắc Giáp lại kể giản dị rằng, khi trận bão lớn cuối năm 2020 vừa dứt, anh nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Bà Thuận kể câu chuyện của mình xen lẫn giữa tiếng khóc đứt quãng. Nhà bay hết mái, hư hỏng nặng, chồng đã mất, con cái đều ở xa, một mình ngơ ngác... Lúc đó đơn vị cũng bị ảnh hưởng do bão, ngổn ngang. Nhưng người dân, đặc biệt là một người mẹ già nua, cô quạnh đang cần, thì những việc khác có thể lùi lại.

Xác định trên bản đồ các vị trí ứng cứu, giúp dân trong bão, lũ

Trung tá Lê Khắc Giáp cùng Ban chỉ huy Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An vận động và được cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đồng lòng hưởng ứng, bỏ tiền túi đóng góp. Cùng với phần kinh phí đơn vị hỗ trợ, các anh mua tôn, vật liệu, trực tiếp lợp mái, sửa chữa ngay căn nhà. Từ đó thỉnh thoảng lại ghé qua, như những đứa con trong gia đình, bởi anh Giáp và đồng đội tâm niệm rằng, về với dân mới thực sự thấu hiểu, để từ đó thực hiện nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, làm việc gì giúp dân, cũng tận cùng trách nhiệm, tận cùng yêu thương.

“Giáp ơi, có gia đình ông Đặng Văn Lợi, cực chi mà cực lắm…”, là “ngỏ lời” của Trung tá Phạm Ngọc Đại, một đồng đội hiện đang công tác tại Ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, “cậy nhờ”.

Tìm đến nhà ông Lợi (tổ dân phố Tân Bình, phường Thuận An, TP. Huế), Trung tá Lê Khắc Giáp thương người ngư dân vốn “ăn sóng ngủ gió”, dẻo dai bám biển trụ cột mưu sinh, chung tay giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nay mắc bệnh hiểm nghèo. Hai đứa con đều còn thơ dại.

Để gia đình ngư dân ấy bớt chông chênh, Trung tá Lê Khắc Giáp cùng Thiếu tá Lê Văn Tuấn (Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An) thường ghé lại động viên, tặng gia đình một số nhu yếu phẩm. Mỗi lúc vận động được áo quần để tặng người nghèo, các anh đều dành phần trước tiên cho gia đình này.

Trung tá Lê Khắc Giáp tặng quà, động viên người già neo đơn trong bão lũ

“Gõ cửa” những tấm lòng

Tình yêu thương của người lính biên phòng ấy đã được tiếp nối bằng tấm lòng của các mạnh thường quân. Họ đã chung tay cùng Trung tá Lê Khắc Giáp và Thiếu tá Lê Văn Tuấn đến, hỗ trợ gia đình ông Lợi số tiền 10 triệu đồng; đến Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An), nơi hai con của ông Lợi đang học, tặng học sinh của trường hàng nghìn cuốn vở, bút, cùng hàng chục triệu đồng. Trong những ngày về với dân, các anh thấu hiểu thêm rất nhiều hoàn cảnh, đã vận động và kết nối mạnh thường quân chia sẻ với hai hộ nghèo, gặp tai ương bất ngờ tổng cộng 10 triệu đồng.

“Dân nghèo khổ lắm, mỗi mùa, mỗi trận bão lũ, dân nghèo càng khổ hơn. Thương lắm”. Lời bộc bạch đó chắc chắn xuất phát từ tận cùng thấu hiểu, bởi Trung tá Lê Khắc Giáp không biết bao lần cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng dầm mình trong lước lũ cao ngang ngực, lội vào những ngôi nhà bị nước lũ chia cắt, tiếp tế nhu yếu phẩm hoặc cõng người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn.

Nhớ lại “lần gặp” đầu tiên, đó là lúc tình cờ thấy bức ảnh Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An áo mưa, áo phao sũng nước sau khi lội qua chặng đường trũng, nước lũ ngập cao để vào nhà dân, tặng đồ ăn liền cho cụ bà neo đơn. Bàn tay thô ráp của người lính biên phòng nắm chặt bàn tay già nua. Mái đầu bạc phơ, gương mặt cụ già ngập tràn tin cậy ấm áp. Tấm hình khiến bất cứ ai cũng xúc động. Vậy nên, bạn bè đang làm ăn, sinh sống ở các tỉnh xa đã đồng cảm, thông qua cầu nối - Trung tá Lê Khắc Giáp - chia sẻ đến người dân nghèo xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (nay là TP. Huế), xã Phú Hải, huyện Phú Vang tổng cộng 122 suất quà, tổng số tiền 122 triệu đồng (mỗi suất 1 triệu đồng), góp phần hỗ trợ kịp thời cho bà con đi qua những ngày khó khăn trong bão, lũ.

Cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tăng gia sản xuất

“Nhiều người cầm trong tay 1 triệu đồng, bật khóc vì mừng và xúc động. Bởi số tiền vừa được tặng rất quý giá, nhưng những tấm lòng yêu thương, đối với họ còn quý giá hơn bội phần”. Trung tá Lê Khắc Giáp bày tỏ.

Mùa trung thu năm nay, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thương những đứa trẻ vắng cha mẹ (bởi cha mẹ của các cháu không may là F0, F1 phải đi chữa trị hoặc cách ly tập trung theo quy định), đồng nghĩa với thiếu vắng niềm vui ngọt ngào của tuổi thơ, Trung tá Lê Khắc Giáp cùng ban chỉ huy đồn giao chi đoàn liên hệ với chính quyền địa phương và các trường học trên địa bàn nắm danh sách 10 học sinh vắng cha mẹ, có hoàn cảnh khó khăn nhất, tặng mỗi cháu 1 triệu đồng.

Tiếng chuông điện thoại gọi đến cắt ngang cuộc chuyện trò. Trung tá Lê Khắc Giáp không nén được vui mừng khi đầu dây bên kia, người bạn báo tin đã gom được số lượng lớn quần áo các loại đã qua sử dụng, nhưng còn mới. Anh nói, sẽ đích thân mang số quần áo này đến quán cơm từ thiện 5 nghìn đồng ở đường Hồ Đắc Di (phường An Tây, TP. Huế). Tại đây, các bạn sinh viên thiện nguyện sẽ giặt sạch, ủi phẳng, phân loại, để khi người nghèo đến ăn cơm, sẽ lựa chọn theo nhu cầu.

“Lần trước, mấy tấn quần áo cũ Trung tá Lê Khắc Giáp chuyển đến, người nghèo đến quán cơm đã nhận một phần. Phần còn lại, chúng tôi chuyển lên huyện Nam Đông. Bà con trên đó cần lắm, mừng lắm. Số lượng quần áo sắp tới anh Giáp kết nối giúp, chúng tôi sẽ tiếp tục vận chuyển lên huyện Nam Đông tặng bà con, để yêu thương được “nối dài” hiệu quả”, người phụ trách quán cơm từ thiện 5 nghìn đồng thông tin.

Thành tích chung của Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An là hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, là đơn vị đạt danh hiệu “Quyết thắng” năm 2021 có “dấu ấn” chỉ huy của Trung tá Lê Khắc Giáp. Nhưng với anh, “thành tích” lớn nhất mà anh luôn mong muốn nhận được là có thêm nhiều sự yêu thương được kết nối, thêm nhiều cảnh đời kém may mắn được hỗ trợ, và thêm nhiều sự tin yêu của người dân dành cho những người lính...

Bài, ảnh: Quỳnh Anh