Những mảng xanh luôn có

Ngày cuối năm, cậu em nhắn: Nhà mình có đang là vùng xanh không chị? Em đang tính để gần tết về làm mâm cơm cúng tất niên cho ba với ông bà?

Câu hỏi của em làm tôi nhớ đồng ruộng lúa xanh rì trước mặt nhà mình. Độ này, lúa bắt đầu cứng rễ, cây chưa cao lắm nhưng cũng đủ phủ xanh một màu quê hương. Để có màu xanh như thế, cây lúa đã oằn mình vượt qua gió bấc, vượt qua rét căm, nước lạnh để rồi ra tết, khi nắng hồng ửng lên, cây lúa vươn bừng sức sống rồi đem đến cho đời những hạt gạo trắng trong, để bữa cơm người nông dân thêm phần dẻo ngọt.

Tôi bắt đầu biết mùa lúa xanh cứng rễ là mùa tết, khi những cánh đồng vụ đông xuân đã xong phần gieo sạ. Những chân ruộng sâu cũng được mạ cấy xong tự lúc nào. Ấy cũng là lúc, tôi được ngơi tay ngoài đồng ruộng, chỉ ngày hai buổi dắt trâu ra đồng, canh chúng đừng ăn lúa và đợi ngày mặc bộ áo mới, đôi dép dừa mẹ mua để chưng diện ngày đầu năm.

Ngày tết ở quê lúc nào cũng háo hức với những đứa trẻ quanh năm bận rộn, đói kém. Bởi, tết là lúc chúng được ăn ngon, được mặc đẹp và được lì xì. Tôi có niềm mong nhiều hơn những thứ đó, là được luân phiên chăn trâu mỗi ba ngày tết, để được vui chơi cùng bạn bè.

Rồi những năm tháng khó khăn đi qua, niềm mong của chúng tôi cũng không dừng lại ở thời bé dại. Khi đủ đầy một chút thì ba đã không còn. Chị em lại mỗi người một ngả nên chỉ đợi dịp tết để quây quần bên mâm cơm cúng ông bà ngày 30 tết.

Năm nay, dịch giã đã làm thay đổi nhiều dự định. Ngay cả kế hoạch đoàn viên cùng mẹ trong ba ngày tết tưởng như đơn giản, nhưng có khi cũng không thành. Tôi nói với em, nhà mình đang là vùng xanh. Nếu không phải xanh ở cấp độ dịch, thì ít ra cũng xanh với cây cối quanh nhà, xanh ở đồng ruộng trước mặt và hồ rau muống nhà anh họ vừa đào ao thả cá. Nước trong mát lắm, đất mới tơi xốp nên rau muống vươn xa, những đọt non vươn mình lên đường cái, chỉ cần đưa tay ra hái là mẹ đã có dĩa rau muống luộc chấm nước ruốc ngon lành.

Và “xanh” hơn, là mẹ vẫn ổn, vẫn giữ được gốc mai ba để lại, vẫn chăm sóc luống cải ngò vừa chớm mầm xanh. Mẹ có thể không dùng hết những thức rau ấy, nhưng sẽ có chút màu xanh gửi em trong hình ảnh ở zalo. Để biết rằng, dịch dù thế nào thì người ta vẫn tìm cách tốt nhất để thích ứng. Mẹ bớt đi chợ, bớt mua rau vì đã tự tay trồng lấy, cũng như luống rau muống từ hồ cá, anh họ thả nhiều cọng để đọt dài vươn ra bò lên bờ, ai cần cũng có thể hái ăn.

Có lẽ ở quê, khi mà ruộng vườn còn rộng rãi, rau dễ trồng, dễ chăm nên người ta không mấy quan tâm về giá trị. Hoặc có khi, họ sống nhờ nguồn thu khác nên rau chỉ là thứ để tặng cho. Tôi hỏi mẹ về những luống rau trước mặt nhà mình, mẹ bảo là của anh chị trong xóm, lúc rảnh rỗi cùng trồng, cùng chăm để ai cũng có màu xanh trên mâm cơm ngày vắng chợ. Gần đây, COVID-19 bao quanh xóm làng, những khóm rau vì thế cũng ít người chăm sóc, có chăng chỉ còn mẹ, vậy mà chúng vẫn xanh tươi. Mẹ bảo, có lẽ nhờ dung dưỡng khí trời, hút được dưỡng chất từ đất, từ những cơn mưa tưới tắm và cả “hơi người” nữa nên chúng mới bừng bừng sức sống như thế. Cũng phải, cây nào cũng không thể thiếu người. Cũng như người, nào thể thiếu cây. Đó có lẽ là nguyên lý mà dù ở đô thị hay nông thôn, ở đâu có cây xanh, bóng mát là ở đó có sự dung hòa, giao thoa. Đi qua những vùng cây xanh mát trong cái nắng chói chang ngày hè, hẳn tâm hồn ai cũng dường như dịu lại. Tôi cũng luôn như thế, khi đi giữa những trưa hè xứ Huế, dưới những tán cây xanh và thầm cảm ơn về những dịu mát. Và về cả những ý nghĩ, những con người, những việc làm để đường phố Huế luôn có cây xanh, giữ được cây xanh và trồng thêm nhiều cây xanh mới.

Tôi cũng nghĩ đến một thành phố không khí thải, không ô nhiễm, không khói bụi… chỉ toàn cây là cây hai bên phố, bên công viên, bên công sở và bên hiên nhà. Huế có lẽ là thành phố hội đủ những yếu tố đó, nên dù những ngày cao điểm về ô nhiễm bụi mịn, chất lượng không khí ở hai đầu đất nước đáng báo động thì Huế của tôi vẫn giữ được sự trong lành, thanh thoát. Nên đi giữa thành phố cây xanh, tôi thường thích cởi hết khẩu trang để hít vào lồng ngực hương thơm buổi sáng nơi cầu gỗ lim, từ dòng nước mát sông Hương, từ hoa cỏ ở hai bên bờ. Những ngày dịch căng thẳng thì chọn nơi ít người một chút, xa xa thành phố một chút sau cuốc đi bộ buổi sáng, tôi cũng chọn cho mình nơi dừng chân dưới gốc cây, tự mở khẩu trang hít hà một hơi thiệt đã, rồi tiếp tục hành trình. Mà ở Huế đâu đâu cũng có cây xanh, cũng không nhất thiết phải đi quá xa để tìm bóng mát, để đón không khí trong lành buổi sớm mai.

Hẳn là sẽ cần có nhiều hơn những hành động khác nữa để đạt “ze-rô phát thải ròng”, song nếu thành phố nào cũng nhiều cây và hoa như Huế thì mục tiêu đó của Việt Nam sẽ không cần chờ đến 30 năm.

Tôi thường nghĩ nhiều đến sự lựa chọn. Dù là tập thể hay cá nhân, là mỗi thành phố hay đơn thuần chỉ là một vùng quê nhỏ bé thì dù lựa chọn phát triển công nghiệp hay nông nghiệp truyền thống; là nhà phố cao tầng hay nhà quê đơn sơ thì ở đâu cũng cần có cây xanh, càng nhiều càng tốt. Vùng xanh chỉ được tạo ra khi có nhiều cây xanh được trồng và chăm chút. Đó mới là vùng xanh bền vững. Không như vùng xanh mong manh trên bản đồ các tỉnh, thành, xã phường, tổ, thôn... có dịch, mới hôm qua xanh đó mà nay đã vàng, cam rồi đến đỏ bất chừng. Nhưng tôi cũng tin rằng, cái bản đồ biến thiên không ngừng của màu vùng dịch rồi đây chỉ còn trong ký ức, khi nhắc nhớ về những ngày cả thế giới đã kiên cường vượt qua “bão COVID-19”, như đã từng vượt qua rất nhiều dịch bệnh, thiên tai khắc nghiệt khác. Chỉ có màu xanh của những cánh đồng, những hàng cây, những luống rau… sẽ còn mãi dưới bàn tay vun trồng, chăm xới của con người. Đó chính là màu xanh cần có và luôn có trong cuộc sống này. Thế nên, tôi hiểu vì sao mẹ chọn trồng thêm luống rau, vồng cải, ươm thêm vài cây mít, cây bầu cho vườn nhà luôn xanh tươi.

...

Từ phố, chồng cũng vừa mang về thêm cây khế, vài cây lưỡi hổ để trồng nơi mảnh đất bé xíu phía sau nhà. Chỉ thế thôi mà phố cũng bắt đầu xanh không chỉ từ lá, mà từ những mầm non vừa vươn ra như đám mạ trước hiên nhà ở quê...

Bài: Tâm Huệ

Ảnh: Hoàng Phước