Sự lãnh đạo của chính phủ cộng thêm ý thức tốt của người dân là cách Nhật Bản giữ số ca nhiễm ở mức tương đối. Ảnh minh họa: Kyodo News/Người Lao động

Chị Michiko Kubo, 45 tuổi chia sẻ: “Năm ngoái, chúng tôi ở nhà theo hướng dẫn của chính phủ để tránh những nơi đông người. Song lần này, chúng tôi cảm thấy được bảo vệ khi đã tiêm phòng và đeo khẩu trang”. Các tình nguyện viên trong khu vực đền cũng đi vào đám đông và lịch sự nhắc nhở mọi người đảm bảo giữ khoảng cách an toàn.

Được biết, mặc dù có sự gia tăng về số ca nhiễm do biến thể Omicron gây ra, song con số chính thức về số người bị nhiễm tại Nhật Bản vẫn được ghi nhận ở mức thấp hơn so với hầu hết các nước phương Tây. Cụ thể, tính đến giữa tháng 1/2022, Nhật Bản báo cáo khoảng 1,9 triệu ca nhiễm COVID-19 và gần 18.500 ca tử vong. Trong khi đó, Vương quốc Anh - quốc gia có dân số bằng ½ Nhật Bản đã ghi nhận đến hơn 15 triệu trường hợp với 152.000 ca tử vong.

Ý thức tốt của người dân

Một số yếu tố đã được xem xét góp phần vào khả năng giữ tỷ lệ nhiễm virus của Nhật Bản trong tầm kiểm soát. Một yếu tố được nhắc đến là việc đeo khẩu trang với nhiều người đã trở thành một thói quen khó bỏ.

“Người Nhật rất thoải mái khi đeo khẩu trang và sát khuẩn tay, hai yếu tố này cực kỳ quan trọng trong hỗ trợ giảm thiểu virus. Họ cũng có xu hướng tuân theo các nguyên tắc được đề ra. Nhìn chung, những thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức từ thời thơ ấu ở trường học, tại nhà và mang lại hiệu quả cao”, Giáo sư Yoshiaki Katsuda thuộc Đại học Phúc lợi Xã hội Kansai ở Osaka nhận định.

Không chỉ để phòng lây nhiễm COVID-19, Giáo sư Katsuda cũng cho biết thêm rằng, khi bị cảm hoặc ho thông thường, việc đeo khẩu trang y tế đã được coi là phép lịch sự tốt đẹp trong xã hội Nhật Bản.

Từ ngày còn nhỏ, người dân Nhật Bản đã được dạy về việc giữ khoảng cách với người khác để tránh lây nhiễm bệnh cho họ. Đây gần như được coi là nghĩa vụ công dân.

Được biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mô tả đeo khẩu trang là một biện pháp chính, giúp giảm lây nhiễm và cứu sống nhiều người và khẩu trang nên được nhìn nhận và sử dụng như “một phần của chiến lược toàn cầu về các biện pháp” chống lại COVID-19.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã dành lời khen ngợi đối với công dân Nhật Bản khi người dân nước này tuân thủ các nguyên tắc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Năm 2020, Tổng Giám đốc Tedros cũng đã gọi việc xử lý đại dịch của đất nước là một sự thành công.

Vai trò của chính phủ

Trong khi những thói quen xã hội lâu đời đã và đang đóng những vai trò quan trọng, vai trò của chính phủ cũng là một yếu tố then chốt.

Cụ thể, trên trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang như một phần của 3 biện pháp phòng ngừa cơ bản, với hai biện pháp còn lại là giãn cách xã hội và thường xuyên sát khuẩn tay. Các nhân viên chính phủ tại các thành phố cũng đã liên kết với chuyên gia y tế để thông báo và khuyến khích người dân tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh nhiều biện pháp khác nhau, cũng đã có nhiều chiến lược truyền thông có sự góp mặt của các bác sĩ để xoa dịu nỗi lo của công chúng về tiêm chủng. Gần 90% dân số Nhật Bản hiện đã tiêm 2 liều vaccine và chính phủ cũng đã thông báo vào đầu tuần trước rằng nước này sẽ nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường.

Kazuya Nakayachi, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Doshisha Nhật Bản bày tỏ sự tin tưởng rằng, việc tập trung vào cách tiếp cận tổng thể quốc gia đối với đại dịch đã giúp Nhật Bản tránh khỏi việc thường xuyên bị phong tỏa và áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khác. Có thể nói rằng, các nhà lãnh đạo đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy các hành vi tốt của người dân.

Điều này được minh chững rõ nhất trong dữ liệu được chính quyền Thủ đô Tokyo tổng hợp, rằng ngay cả khi không bị đe dọa phạt hành chính, 90% trong tổng số 300.000 nhà hàng được khảo sát đã tuân theo các yêu cầu về đóng cửa sớm.

Nhìn chung, thói quen người này nối gót người kia tuân thủ các quy định phòng chống dịch trong các trường hợp khẩn cấp ở Nhật Bản đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 ở nước này.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)