“Cứ mỗi lần nghe giọng của em
Anh lại nhớ vô cùng giọng mạ”
(Trần Dzạ Lữ)
Những lúc đi một mình trên đường, tôi nhớ vô cùng câu thơ này, câu thơ bình dị, không cầu kỳ kiểu cách, không uốn nắn theo lối mỹ từ ẩn dụ, chỉ là lời thật thốt ra. Nhưng tôi đồ rằng, hẳn người con gái nào nghe được, cũng xốn xang trong dạ. Bởi đó là tiếng tâm sự thật của một con người Huế, nơi xứ sở mà con người ta sống phần nhiều bằng ký ức, bằng kỷ niệm, bằng tất cả những gì đẹp đẽ được phong kín một lớp phấn hương trong tâm hồn, nên khi một làn gió nhẹ thoảng qua, đã khơi gợi tâm tình ấy nỗi nhớ thiết tha về xưa cũ. Mà xưa cũ, có gì quý giá hơn giọng mạ.
Những sớm mùa đông mưa lạnh, tôi thường đi qua bến đò Bao Vinh, ghé một quán quen bé nhỏ nép bờ sông, ngồi bâng khuâng ngó vầng hạt sáng long lanh nhảy nhót dưới mặt nước, được hắt từ chiếc bóng đèn vàng nhỏ và nghe tiếng nước reo trên bếp, tiếng lạch xạch của chị chủ nhà, tiếng ho khọt khẹt của ông cụ và bao giờ cũng là tiếng của mạ. Bây mần chi mà dậy trễ để khách chờ rứa bây. Anh con trai, tóc đổ bóng hoa râm, mỉm cười nhẹ nhàng để trước mặt tôi bình trà ấm, phân bua, mệ dậy từ ba giờ sáng nên chừ thấy trễ. Tôi mỉm cười cùng anh. Cứ để nghe mệ la đi anh. Được nghe tiếng trẻ con khóc trong nhà, tiếng người già ho khan, đó là hạnh phúc ngọn ngành nhất đời người mà tôi từng được biết đến. Tiếng trẻ con cho ta sự hồi sinh, tiếng người già giữ ngày đã qua ở lại trong lời nhắc nhớ. Ta giữa hiện tại sẽ là ai nếu bỏ quên những ngày đã qua và không biết tìm gì trong ngày mai sắp đến? Tôi ấp chén trà nóng trong tay, nhìn ra bờ sông bắt đầu lao xao sóng, người đi chợ qua sông đặt những gánh cúc vàng lên đò. Những chuyến đò chở hoa sớm lên phố cho ngày rằm thơm tho mùi đất phù sa bờ bãi chốn quê nhà.
Tôi đi qua nhiều vùng đất, mỗi con người ăn cơm đồng mình, uống nước sông mình đều sản sinh ra một thổ âm đặc trưng không nhầm lẫn. Cái nhấn nhá lạ lùng của các thanh và âm qua các con dấu luôn tạo sự thú vị riêng. Nhưng để đến tận cùng sâu thẳm của mỗi giọng điệu quê nhà, tôi cho rằng, phải từ giọng mạ. Thanh bằng là tiếng lòng nhẹ nhõm, thanh sắc là trắc trở đời người, thanh huyền là tiếng ru êm ả, dấu hỏi là xa xót thương yêu, và dấu nặng như giấu nhẹm vào trong, cuộn cả vào người bao khó khăn cuộc đời đưa lại. Để rồi tất cả bật ra, là nhẹ nhàng tinh tế, là thủ thỉ yêu thương, là bảo bọc gìn giữ… Thật sự, tôi không biết tả làm sao cho hết cái giọng những người mạ trên vùng đất này. Nhưng trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác được chở che, được chia sớt, được yêu thương khi được nhận tiếng mạ truyền trao qua mỗi lần gặp dù nặng sâu hay vồi vội.
Như khi tôi đi qua các chợ, ngắm nhìn những hàng quán có người mạ ngồi bán buôn thức gì đó, tôi đã say đắm những khuôn mặt hiền từ. Bao giờ cũng vậy, tôi ngồi xuống lựa vài món gì đó muốn mua mà không cần hỏi giá. Rồi vừa lựa, vừa thủ thỉ những chuyện bâng quơ. Mạ cũng thường vẫn để yên cho tôi lục soạn. Nếu tìm không ra món đồ vừa ý, mạ hỏi, con cần chi? Dạ thứ nớ, thứ tê. Rồi mạ đứng dậy bước vô trong hàng tìm ra cho kỳ được mới thôi. Dẫu là một món hàng trao qua bán về nhưng luôn cho tôi cảm giác như được về nhà với mạ. Và điều tôi mong mỏi nhất đã kỳ diệu xảy ra, là những người bán hàng thời gian đó, luôn dặn với theo tôi, con nhớ cất/giữ/dùng cái đó như thế này như thế kia, bữa sau hết cần chi cứ ra đây có mạ hí! Chao ôi, bạn có bao giờ có được cảm giác đó chưa? Cái cảm giác một đứa mồ côi mạ được ai đó xa lạ dặn dò nó có sức mạnh gấp ngàn lần món hàng trên tay bạn vừa mua được. Tất cả chỉ nhờ giọng điệu, nhờ tiếng nói, nhờ cái ấm áp nhỏ nhẹ truyền trao của một người phụ nữ hiện lên trong cuộc đời này.
Tôi cũng từng một lần bắt gặp giọng nói của mạ trên vùng đất xanh thẳm, ngút ngàn xứ Đắk Nông. Trong chuyến đi thực tế cùng văn nghệ sĩ tìm về với bà con Huế đã đi khai phá vùng heo hút sơn cùng nơi giáp Lào rừng xanh núi thẳm, tôi bị đất đỏ quyện chặt đôi gót giày phải cúi xuống lột gỡ, khi ngẩng đầu lên bàng hoàng nhận ra trước mặt tấm bảng ghi “Chợ Tam Giang”. Ai biết cái cảm giác say xe khi đi đường dài núi đồi xoắn xuýt từ đồng bằng lên miền núi sẽ hiểu sự hãi hùng của một tuần ròng nhồi nhảy trên xe nó khủng khiếp đến nhường nào, thì thấu hiểu cảm giác mừng rỡ của tôi lúc nhìn thấy tấm bảng đó bao nhiêu. Cái tên chợ quen quá quen này giúp tôi rơi vào vùng ảo giác ngọt ngào, rằng, chỉ một đỗi đường vài chục phút nữa thôi, tôi sẽ được trở về ngôi nhà êm ấm của mình, sẽ thoát khỏi cơn say xe ròng rã cả tuần nhồi nhảy tôi lên bờ xuống ruộng. Tên chợ, tên làng sao mà gần gụi yêu thương. Tôi quẳng đôi giày cao gót chơ vơ, mặc tình ai thấy xách giùm, tôi bước thoăn thoắt vào chợ. Ngôi chợ sớm vùng biên đơn sơ những gian hàng giản dị. Những vật dụng hằng ngày, những sản vật ký bí… Tất cả lẫn lộn vào nhau không cần phân định lớp lang hàng quán. Nhưng ơ kìa mùi bún bò, mùi ruốc, mùi đồ màu bay lên từ gian “đình” giữa chợ, nơi khang trang nhất, nơi đẹp đẽ nhất, nơi hào phóng nhất đã giành cho những món ăn đậm chất Huế bay lên ngút ngàn. Tôi ào vào chân líu ríu tay hỏi tay xem, chao ơi, răng nơi đây mà có những món quê nhà? Nghe tiếng tôi cất lên, cả chợ như vỡ òa! Chao ôi o Huế, o ở Huế lên phải không? Dạ em Huế lên đây! Chỉ chừng đó thôi mà không bán không mua chi nữa cả. Các chị níu tay tôi lại, kéo áo tôi qua, ngồi xuống đây, ngồi xuống rồi ưng ăn chị múc, ưng ăn chi chị làm, ưng ăn chi chị đem qua… Một trời Huế qua mùi thức ăn đậm vị mặn ngọt cay nồng đặc trưng đã đành, nhưng cả một không gian Huế qua giọng điệu, qua cách nói, qua lời hỏi thăm… Ân cần làm sao vẫn là tiếng nhỏ nhẹ ríu ran, tiếng yêu thương trìu mến dành cả cho tôi, một đứa vừa chỉ xa Huế có 7 ngày bỗng gặp lại Huế ngay trên đất khách. Hỏi thăm ra, đây là một làng di dân từ những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước. Họ từ Huế lên, “gánh cả tên xã, tên làng” chưa đủ, họ còn “truyền cho con tập nói” để mãi sau này một đứa tôi ngơ ngác lạc vào chợ đã được chở che ấm nồng bởi những tiếng quê.
Rồi đến hôm này, những ngày thành phố hiền đến mức, như một cô con gái lần đầu tập yêu, không tiếng cựa động, cơ hồ đến cả cái chớp mi cũng không dám, tôi vẫn đi bộ dưới những vòm cây xanh um dọc con đường Lê Lợi đẹp mê hoặc, chỉ để tìm lại những tiếng thủ thỉ từ nơi nào đó phát ra. Và tôi đã thật sự xúc động đến ứa nước mắt, khi một đêm rét ngọt len qua kẽ tay, tôi nghe lại tiếng người mệ già thân thương ấn vào tay tôi chiếc bánh mì nóng đêm khuya khoắt. Kèm theo là câu ràm muôn thuở, đi làm chi mà chừ mới về, bây làm vừa rồi còn lo mà giữ sức khỏe! Câu nói giản dị quá chừng quá đỗi, nhưng phải là thương mến nhau thật lòng, câu nói ấy mới phát ra. Chứ không chỉ đơn thuần chỉ là người khách qua đường mua món hàng nhỏ.
Tôi vẫn hằng đi về trên những con đường ngày mỗi xanh tươi màu hoa lá reo vui. Tôi vẫn được ngắm dòng Hương dịu hiền vẽ lên bao gương mặt Huế mỗi ngày. Tôi vẫn được nghe tiếng chim lích chích dưới tán cây long não êm đềm thơ và nhạc. Tôi vẫn sống bằng hơi thở Huế đầy cổ tích êm ái. Nhưng tôi vẫn chưa hình dung nếu một ngày nào đó, tôi không còn được nhận những tiếng thủ thỉ ân cần của những người mạ Huế trên đất này, liệu tâm hồn tôi có còn được xanh trong trẻo nỗi xanh của một đứa con vẫn đang được tấm lòng mẹ dung dưỡng trong đời như thế này không?
Bài: Đông Hà
Ảnh: Đăng Tuyên