Bình yên sông nước

Những năm sáu mươi thế kỷ trước, câu lạc bộ Thống Nhất bên hồ Hoàn Kiếm, là nơi gặp gỡ của “người miền Nam” ở Hà Nội, đa phần dân tập kết. Nhiều tối thứ bảy, tôi theo anh nuôi quê Quảng Nam đến đây chơi, nghe chú Phú Yên nói “tiếng xứ nẫu”, anh An Giang bảo mình “quê Chắc Cà Đao”. Lại có những bà nhỏ nhẹ “dạ” luôn miệng, chảy nước mắt nghe “Câu hò bên bến Hiền Lương”, ra là người Huế, vài chục năm trước có ông vua ở đấy. Từ đây, tôi biết nước mình chạy dài ngoằn ngoèo, thật nhiều giọng nói, phong tục, cách ăn ở khác nhau.

Sau bảy lăm, họ về quê gần hết, ở lại không dâu rể Bắc cũng do công việc, trong đó có vài nghìn người Thừa Thiên Huế, đều gọi chung “Huế”. Cuộc sống hòa đồng, họ vào sinh hoạt, thổ ngơi bản địa, phần để thích nghi, phần đã “Hà Nội hóa”, đến thế hệ con thì máu gốc đã loãng lắm. Tưởng thế nhưng vẫn có các bà tụ lại quanh cây đàn tranh đọc thơ, những bữa ăn thịt luộc – đã có mắm tôm chua chứ không phải mắm tép tạm. Nỗi nhớ quê không còn thắt ruột gan như hồi còn chia cắt, nhưng nó cứ hiện ra trong miếng ăn, câu hát, những gì “trong tĩnh lặng nhận ra điều rất Huế” (thơ Trần Ngọc Trác). Có một Hội đồng hương Huế nữa, ra trang web, lập quỹ, gặp mặt hàng năm được thành viên “yếu nhân” giúp từ địa điểm đến hoa, giấy mời. Và chằng chịt những mắt lưới nhỏ của “các cựu” trường Quốc Học, Đồng Khánh (Hai Bà Trưng), Thanh niên Tiền tuyến, tù nhân, học trò Bình Trị Thiên từng ở Nghệ Tĩnh (nay là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh)…, càng chia li ti càng thân thiết. Lại không thể không nhắc câu lạc bộ Doanh nghiệp Huế đóng ở phố Thành Công, tuy “nhỏ” và có lẽ trẻ nhất nhưng quan trọng, đóng vai trò “đầu tiên” cho các hoạt động. Lặng lẽ tồn tại, các “tế bào” Huế sinh sôi theo nhiều kiểu cách, họp mặt đồng hương vài kỳ gần đây được “trẻ hóa” với những sinh viên cảnh sát, kiểm sát… Cũng phải nói đến “hiện tượng” nhiều người một thời sợ lý lịch áo mũ cánh chuồn, nay lấy lại họ Tôn Thất. Và, liên tiếp những hồi ức, hồi ký của “con cháu các cụ Thượng”.

Huế là xứ thơ, những người con đi xa mang theo “gen” văn chương góp vào đất mới, tri ân nhau tự nhiên muốn tri kỷ. Tháng 4/1999, Tuần Văn hóa Huế tổ chức tại Hà Nội. Các dòng tranh, ca Huế, ẩm thực… ra mắt công chúng Thủ đô xuất hiện ở Văn Miếu, khu triển lãm Vân Hồ, Nhà hát lớn, du thuyền hồ Tây tạo ra sức tập hợp bất ngờ. Đến tháng 12, Câu lạc bộ Văn hóa Huế ra đời, do nhà sử học Phan Hữu Dật đứng đầu, rồi đạo diễn Đặng Nhật Minh (một năm).

Từ năm 2013, câu lạc bộ do ông Trần Nguyên Vấn (Trần Phương Trà) “cầm”. Nhà văn gốc làng Trúc Lâm, phường Hương Long (TP. Huế) này vốn làm ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở tuổi ngoài tám mươi, ông còn miệt mài tìm tác giả, sưu tập, chủ biên, tìm kinh phí và đầu ra cho hàng chục đầu sách về thơ văn nhạc họa Huế ra hàng năm - một thứ “niên giám sáng tác”. Ông Vấn cho tôi bản PDF cuốn “Bên dòng Hương” định ra dịp Tết Canh Tý 2020 nhưng vì dịch phải hoãn lại, cũng là một dịp để bổ sung nữa. Có những chi tiết nhỏ mà gây bùi ngùi, rằng gặp mặt mới đây chỉ còn gần 50 cụ trên tám chục, quà mừng thọ là cốc sứ kiểu cổ kèm bông hồng. Rằng người Huế trẻ ra ngoài này nhiều nhưng kém gắn kết…

Người đi xa đã lâu, dĩ nhiên ấn tượng về quê nhà thường thường trầm trầm, hoài cổ, chả giống người Huế hiện đại. Nhà sử học Phan Hữu Dật “có một Phan Bội Châu” rất riêng:

Người ơi, xuôi ngược dưới cầu

Hỏi dùm ông Ngự buông câu bến nào

Thuyền ông trôi dạt về đâu

Mà hồn man mác trong câu ai hò

Tác giả Nguyễn Khôi, chả biết đang xứ nào, chỉ hay mang tâm trạng “ở lại cùng đô thành chật chội”. Những câu sau của ông gửi tới một người chả biết “xa” về thời gian hay không gian:

Người trắng tay mà hồn thanh thản

Ta tiền tài áo mũ xênh xang

Người thiền định gối đầu bên thác ngủ

Ta trong phòng máy lạnh đắp chăn

Tâm trạng ở đây chộn rộn, thật chen chúc. “Người” với “ta” ai đầy đủ sung sướng hơn ai, ai phải khát tự do lại thèm quá vãng…, khó mà phân định rạch ròi. Nhưng tôi, tự nhiên nảy ra cái ý nghĩ, rằng những chủ nhân của Huế hiện tại cũng đang ngổn ngang lựa chọn…

Bài: Trần Chiến

Ảnh: Anh Quân