Lần đầu tiên tôi biết cỏ cũng rét.
- Sáng nay cỏ rét đấy!
- Sao em biết?
- Chúng xanh ra.
Là đối thoại ngắn ngủi không âm vọng giữa thiếu nữ hư ảo ẩn hiện nơi lăng tẩm đền đài xứ Huế với ông họa sĩ già trong truyện ngắn Bức tranh thiếu nữ áo lục của nữ sĩ Quế Hương mà tôi từng đọc lần đầu ngót 30 năm trước. Cỏ xanh thường và xanh rét khác nhau thế nào nhỉ? Tôi cố lục tìm trong ký ức thời trai trẻ khoác áo sinh viên Văn khoa ở Huế, dội qua những mù sương, để kết nối màu xanh non tơ run rẩy của bờ cỏ sông Hương, Thành nội, Thiên An với ngày tháng này. Kết nối hư ảo phi thời gian như thơ Quang Dũng “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa,...”
Nàng thiếu nữ áo lục như “một ảo ảnh, một mảng lục non mơ hồ thấp thoáng trong sương...” lúc trẻ thơ, lúc thiếu phụ, khi thì mang gương mặt người già. Nhưng đủ khiến người họa sĩ vung bút vẽ cảnh những bông hoa dại cưới nhau trên cỏ. Chúng khiêu vũ, đùa chơi, rồi gối đầu trên cỏ. Những nét vẽ tươi tắn, giản dị đầy sức sống đầu tiên sau gần một đời cầm cọ của ông, sau bao nhiêu thứ hội họa trầm xám, lạnh lẽo, tàn nhẫn u buồn nhưng lại khiến ông giàu có, xênh xang nổi tiếng. Cho đến khi ông mất tất cả, điên loạn, trắng tay, để cuối cùng tìm về Huế, và “Huế từ tốn, lặng lẽ hồi sinh cho ông”.
Nơi thung lũng A Sầu
Sau cái đêm mùa đông thức trắng hoàn thành bức tranh thiếu nữ áo lục, cũng là lúc họa sĩ không bao giờ thức dậy. Kiệt tác ấy sau đó cũng vĩnh viễn không ai có thể sở hữu. Bởi khi xuất hiện giữa giới buôn tranh thì điều kỳ lạ xảy ra: Gương mặt thiếu nữ trong tranh chỉ còn là một khoảng trống.
Quá khứ và tương lai, màu xanh kết nối thế nào?
Cuối mùa đông năm ngoái tôi khoác ba lô lên thung lũng A Sầu trên chuyến xe đò cuối ngày. Trời sẩm tối, buốt lạnh, lướt thướt gió mưa. Ngang đỉnh thung lũng tôi bảo người chạy xe ôm đang chở tôi về A Roàng dừng lại. Giữa màn sương đục mờ tối cứ đùn lên, dâng lên chất ngất, tôi cứ đứng sững nhìn vào thời gian. Thứ thời gian cũng mơ hồ như thiếu nữ áo lục, vừa vọng tiếng đại ngàn của hiện tại cũng lại ầm ì tiếng đạn bom thời xưa ấy, như vẳng từ phía đồi Thịt Băm đầy chết chóc...
Hồi trung tuần tháng 10 mới đây, khi bên Mỹ vị tướng bốn sao, cựu Ngoại trưởng Colin Powell qua đời, khiến tôi bất chợt nhớ lại những phút giây dừng lại nơi thung lũng A Sầu buổi chiều tối ấy. Bởi sực nhớ rằng ông cũng từng tham chiến chính tại ngọn đồi này. Chính ông, với tư cách cố vấn chỉ huy lính Mỹ thời điểm tháng 2/1963 cũng đã can dự vào việc cho rải ít nhất 500 ngàn gallon thuốc diệt cỏ tại đây. Không phải chất độc da cam, mà là loại chất độc màu tím mức độ hủy diệt còn gấp 3 lần hơn thế. Rồi tiếp đến Chu Lai, Mộ Đức, hàng ngàn héc ta rừng xanh, cây lá cũng bị hủy diệt bởi dioxin, cũng có sự liên can trực tiếp của viên sĩ quan gốc da màu đầy nhiệt huyết. Trên đây là những “di sản” (legacy) của tướng Powell mà báo chí Mỹ dẫn ra, sau cái chết của ông. Cái chết vì căn bệnh đau tủy, một dạng ung thư máu phơi nhiễm bởi di hại của chất khai quang, còn bệnh COVID-19 chỉ là cú bồi thêm.
Thì ra lần ấy tôi dừng lại là còn để kiếm tìm lại màu xanh. Cái màu xanh vặn xoắn cỗi cằn mà hôm sau tôi bắt gặp ở Sơn Đông (A Lưới) bên nền sân bay A Sầu xưa. Nơi đến giờ vẫn còn hàng ngàn phận người cũng đang vặn xoắn, dị dạng đau đớn bởi chất độc dioxin đọng lại từ ngót 60 năm trước.
Cái màu xanh mà những năm cuối đời, chính tướng Powell cũng kiếm tìm, cổ súy tạo dựng. Khi ông tích cực tham gia các tổ chức của phong trào xây dựng xanh, công nghệ xanh. Và chính khu chung cư căn hộ mang tên ông ở New York hiện tại cũng là một công trình xanh... “Khi tôi nói chuyện ở trường học, tôi nói với bọn trẻ rằng, bạn bắt đầu từ đâu không quan trọng, quan trọng là bạn kết thúc ở đâu”. Powell đã đúc kết như vậy lúc cuối đời. Bảng màu nào kết nối sự bắt đầu và kết thúc nơi thung lũng A Sầu, thưa ông, và có thật không quan trọng không? Xanh, tím, hay da cam?
Những vẻ đẹp, màu xanh đang mất mát nhiều quá. Hay là bởi ký ức thì cái gì cũng xanh hơn?
Dù đó là thứ màu vàng vi diệu như Hoàng Phủ Ngọc Tường đột nhiên sau một đêm rét nàng Bân chợt sững sờ bắt gặp nơi cây xà cừ đầu phố nhà mình. “Tán vàng chói lọi át cả màu lục non của lá mùa xuân chung quanh trông tráng lệ, kỳ lạ... Trong nắng nhạt nó chói lên bằng ánh sáng kim loại đúng là vàng y, như tôi có thể hái để gửi vào ngân hàng vậy”, ông đã viết trong một tùy bút. Với xứ Huế, mọi màu sắc sinh ra đều chỉ nhằm tôn lên màu xanh, tôi nghĩ vậy. Cũng như chính đời sống này.
Tôi thích mấy chữ Kết nối xanh mà du lịch Huế, người Huế đang làm. Khi màu xanh của những “vùng xanh” lốm đốm lẻ loi trên bản đồ COVID-19 ở Việt Nam và cả thế giới gần hai năm qua bỗng trở thành nỗi khát khao mang nghĩa sống còn. Khi màu xanh của cái thẻ chứng nhận đã hoàn thành hai mũi vaccine ngừa thứ virus Corona chết người đồng nghĩa với quyền được cất bước tự do.
Cũng như con người trên thế gian này, màu xanh không thể tồn tại đơn độc. Phải là màu xanh vĩnh cửu tràn ngập hoan ca của thiên nhiên và đời sống, trong mỗi suy nghĩ và hành động. Chứ không phải trên văn bản hành chính hay cái giấy phép đi đường thời đại dịch. Trong cuốn “Súng, vi trùng và thép” nổi tiếng của Jared Diamond, tôi nhớ có một ý tác giả viết rằng nếu ai đó chết vì suy dinh dưỡng kéo dài, vì lũ lụt hay sóng thần, thì những người sống sót sẽ không nói rằng “Cô ấy chết vì bị nhiễm biến đổi khí hậu sáu ngày trước” như thường nói về bệnh nhân COVID-19. Trong khi biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng, đó mới là hiểm họa đích thực sẽ còn sinh sôi muôn vàn thứ dịch bệnh hủy diệt khác.
Nhưng cỏ rét, vẫn đang rét. Thế gian này cũng đang rét. Màu xanh vẫn tái nhợt trên địa cầu.
Kết nối xanh. Chiếc lá long não rơi xuống đường/Như thiên thần đánh rơi nốt nhạc. Một đêm tháng mười năm xưa trên đường phố Huế, cố thi sĩ Lê Viết Tường đã kết nối những gì vào lưới sắc màu và âm vang vi tế của thời gian?
Bài: Trần Tuấn
Ảnh: Viên Đăng