Nhìn trong đó, không ít người, nay tuổi đã xế chiều, đầu đã điểm hoa sương hoặc bạc trắng, thấy có chút gì đó tiếc nối, tất nhiên là cho chính họ và cả những hệ lụy cho xã hội mà họ để lại. Nhưng có lẽ điều làm cho dư luận chú ý hơn đó là “những nguyên, những cựu”. Với chức vụ cao chắc là họ cũng đã trải qua một thời vàng son, có thể!

Điều nêu trên làm cho người dân tin rằng, công cuộc chống tham nhũng hết sức quyết liệt không có vùng cấm, lại càng không có chuyện cứ một khi đã nghỉ thì mọi việc đều được cho qua mà có một cách nói ví von là “hạ cánh an toàn”.

Các vụ việc được phanh phui cho chúng ta biết sự việc đã xảy ra từ lâu, có những vụ việc từ rất lâu, kéo dài nhưng tại sao cả bộ máy kiểm soát của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội… không phát hiện được? Phải chăng điều này cho thấy, việc kiểm soát quyền lực vẫn còn nhiều lỗ hổng!? Hay nói cách khác, một khi người ta còn nắm quyền trong tay thì hoặc không, hoặc rất khó phanh phui được những sai trái, đặc biệt là sai về quản lý kinh tế.

Lấy một ví dụ về việc chuyển nhượng đất công, theo quy định là đấu thầu nhưng bằng nhiều cách người ta đã lách sang hướng chỉ định thầu. Hay như vụ Công ty cổ phần Việt Á liên quan đến sai phạm nhiều người… chúng ta thấy có một đặc điểm chung, đó là sai cả một hệ thống, hoặc nhiều mắt xích chứ không phải một người, một vài người ở một tổ chức riêng lẻ. Tức là những sai phạm ở đây có sự cấu kết. Nhiều người có chức quyền ở các cấp ngành cấu kết với nhau để làm sai cho thấy yếu tố quyền lực đã có sức mạnh khỏa lấp. Cho nên chúng ta thấy nhiều “cựu A, cựu B” bị lôi ra ánh sáng là vì vậy. Nghĩa là khi họ không còn chức vị nữa, cũng đồng thời không còn sức mạnh quyền lực!

Phàm, đã có quyền lực thì thường phát sinh lạm dụng quyền lực, nếu không có cơ chế kiểm soát tốt. Cho nên vấn đề đặt ra ở đây trong phòng ngừa những việc làm sai trái nói chung và phòng chống tham nhũng nói riêng, nếu không muốn nói điều quan trọng nhất là kiểm soát quyền lực.

Về mặt cơ chế kiểm soát quyền lực chúng ta không thiếu. Đủ loại kiểm tra giám sát nhưng có lúc không hiệu quả trong thực tiễn. Có lẽ ở chỗ còn thiếu tính công khai minh bạch. Cho nên, muốn kiểm soát quyền lực tốt phải tăng cường tính công khai minh bạch. Đã công khai minh bạch thì mọi người dễ dàng so sánh, đối chiếu, giám sát, phản ánh, chất vấn…

Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc công khai được thực hiện thuận lợi và việc giám sát cũng được thực hiện dễ dàng. Một ví dụ nhỏ như từ khi có hệ thống Hue-S tham gia trong việc quản lý đô thị thì nhiều vụ việc thuộc lĩnh vực trật tự đô thị được giám sát tốt hơn. Tính tham gia giám sát của người dân cao hơn qua phản ánh. Nhờ đó, chính quyền cũng nhanh chóng xử lý. Tất nhiên đây là một ví dụ nhỏ trong chuyện công, minh bạch khai. Còn nhiều chuyện ở các lĩnh vực chuyên sâu, phức tạp hơn, với một người dân bình thường khó có thể hiểu thấu đáo được. Tuy nhiên, khi đã công khai ra thì không có người này cũng người kia giám sát được.

 Nguyên Lê