Nhiều người đi sắm Tết ở chợ đồ bành Tây Lộc vào chiều 30 những năm về trước

Chẳng biết khu chợ đồ bành Tây Lộc bên trong Thành nội Huế có tự bao giờ, nhưng đã trở thành một điểm dừng chân với đủ kiểu người, từ nhiều nơi tìm về. Ở đó người ta có thể tìm thế đủ thứ “trên trời, dưới đất” được bày biện hàng hàng lối lối trong một khoảng sân rộng lớn. Như một thói quen, rất đông người đổ về đây lục lọi, sắm vài ba bộ đồ. Gọi vài ba bộ đồ cho sang trọng, chứ nếu tính ra tiền, chắc chưa bằng một cái quần jean trong shop ở phố lớn.

Với nhiều người thói quen ấy là thú vui, nhưng có người vì hoàn cảnh, nghèo khó, tiết kiệm nên mới ra phố đồ bành. Chiều 30 tết, khu chợ đồ bành này đông đúc nhất, bởi đó có lẽ là thời điểm mà nhiều người thư thả nhất sau một năm quần quật với bộn bề công việc. Từ dãy này sang dãy khác, áo quần, váy, giày dép, thắt lưng… sôi động cùng với tiếng rao rôm rả ở mỗi gian hàng: “Mua đi, mua đi. 10 ngàn một món”, “Quần cái 30 ngàn, bán nhanh về đón giao thừa”…

Lạc giữa những tiếng rao ấy vào chiều 30 tết của những năm về trước, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ. Họ từ nhiều làng quê, có người vừa xong công việc làm thêm, làm thuê rồi tiện đường ghé tới, có người hì hục đạp xe cả chục cây số từ làng lên. “Cũ người mới ta”, họ quan niệm như thế phần vì không có điều kiện sắm đồ mới, phần vì có vô số chi phí khác cần phải chắt chiu để trang trải trong những ngày tết, cũng như cuộc sống thường nhật.

Dạo quanh qua nhiều gian áo quần giữa cái nắng chiều muộn cuối năm, thứ vài chục họ sắm vài thứ rồi đựng trong một túi nhỏ với nụ cười mãn nguyện. Tưởng chừng ấy là những món đồ những người phụ nữ ấy sắm tết cho họ, nhưng không, đó là những “bộ đồ mới” người mẹ mua cho con, bà mua cho cháu… Giá ở chợ đồ bành vốn quá bèo, nhưng giao thương thuận mua vừa bán, trả giá qua về là chuyện thường, nên không khí vì thế sôi động. Giá đã bèo người mua càng kỳ kèo đòi bớt, được chừng nào hay chừng đó. Nhưng cũng có người bán vì hiểu và thương những người hoàn cảnh đi sắm tết nên bớt giá thêm, tặng thêm đồ.

Nhiều bà mẹ quê ví rằng, chợ đồ bành Tây Lộc chẳng khác gì khu chợ tết của những người nghèo. Không chỉ có đẹp mà còn rẻ nên ai cũng ưng ý. Đi giữa những gian hàng ấy, mới hiểu thêm rằng, tết cũng cần đôi ba thứ mới, nhưng cũng chẳng cần phải đua đòi cao sang, miễn thấy vừa lòng, hợp túi tiền và biết đủ là đủ.

“Mỗi người mỗi cảnh, răng mà so bì, đua đòi được. Có ít sắm ít, có nhiều sắm nhiều, không có thì không sắm, cũng chẳng răng hết”, nhiều người sắm tết đồ bành thật lòng. Chiều cuối năm, nhìn những túi đồ bành được người nghèo chọn mua, mà lòng rưng rưng, ai rồi cũng có tết và tết theo cách riêng họ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH