Phong tục truyền thống người Việt Nam thường tặng quà cho nhau nhân dịp lễ tết hoặc khi có sự kiện quan trọng. Những món quà có ý nghĩa tinh thần mang tính biểu trưng thay lời chúc mừng. Cũng có thể có những món quà bằng vật chất có giá trị thay cho lời tri ân, cám ơn từ tấm lòng của người tặng. Thế nhưng bây giờ tặng quà nhiều khi còn có màu sắc của hối lộ biến tướng.
Ngày 20/1/2022 trong phiên tòa xét xử Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị buộc tội “làm trái” và “nhận hối lộ”, trong cáo trạng nêu vị cựu giám đốc này đã nhận 400 triệu đồng và 10 ngàn USD, tuy nhiên ông ta chỉ thừa nhận 100 triệu và 10 ngàn USD. Số còn lại được cho là quà nhân dịp tết, ngày kỷ niệm ngành y tế (27/2)... từ đối tác tặng. Cái lý ông ta đưa ra là đối tác “đến thăm” tết là “bình thường”với giám đốc, cũng như các khoa, phòng trong bệnh viện, không cho đó là hối lộ.
Vụ án Công ty Việt Á trích hoa hồng cho các cơ sở y tế đang được điều tra còn trắng trợn, lộ liễu hơn. Một số cựu giám đốc CDC các tỉnh cũng vin cái lý không chuyển trực tiếp cho cá nhân để phủ nhận cho mình vô can. Ai cũng thừa biết rằng, dù nhân viên có nhận thì quyết định và chia chác vẫn là quyền của thủ trưởng.
Đã từng có vị lãnh đạo cấp bộ được biếu 200 ngàn USD liên quan trong một vụ án cũng cho đó là quà họ mừng tết, mừng mới lên chức, không cho đó là quà từ hối lộ. Tất cả những hành vi nêu trên chỉ được phanh phui sau khi thanh tra, điều tra, kết luận xác định rõ hành vi vi phạm. Trước tòa mới thừa nhận, khắc phục hậu quả bằng nộp lại thì đã quá muộn và chỉ là tình tiết làm giảm nhẹ hình phạt mà thôi.
Trong thực tế, người ta hối lộ bằng những cách thức tế nhị khác nhau khi “đối tác” là người chưa quen biết, chưa hiểu được nhau, chưa kịp có sự thỏa thuận trước. Nhân dịp lễ tết, ngày kỷ niệm của ngành, của cá nhân là lúc thể hiện “tình cảm” dễ nhất, thường thấy nhất khi tặng quà. Khi chưa có sự thỏa thuận trước thì tặng quà chẳng nỡ nào không nhận, có ai biết đâu và có đủ lý do để biện hộ. Thời buổi kinh tế thị trường, công nghệ hiện đại như bây giờ còn có nhiều cách chuyển cho nhau không chỉ là những món quà vật chất thông thường mà được chuyển khoản, chuyển qua người trung gian. Công khai như Công ty Việt Á cứ theo tỷ lệ “tự hiểu” để chuyển thẳng đến tài khoản của chung cơ quan “đối tác” là chắc nhất. “Gạo tươi, thóc thật” được hoàn tất ngay sau phi vụ trót lọt. Vừa là lời cám ơn, vừa được cho là biết điều, sòng phẳng trong làm ăn. Người ta thừa biết thủ trưởng sẽ là người quyết định “phân phối lại” nên chẳng ngại chuyển cho tập thể, khỏi liên lụy mang tiếng thủ trưởng. Chẳng thế mà Phan Sào Nam trong vụ đánh bạc ngàn tỷ có liên quan 2 vị tướng công an bảo kê lại chuyển tiền qua 1 đầu mối khác, dù khoản “được hưởng” từ bảo kê là không hề nhỏ, đều đặn. Đối với kẻ cần nhờ người có thẩm quyền “ưu ái” cho 1 dự án hoặc giải quyết 1 phi vụ nào đó người ta cũng sẵn sàng “đi trước một bước” với cái lý “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Vậy là người ta chọn những dịp như đã nêu để “đi tắt, đón đầu” là thượng sách.
Nghiệm ra dễ hiệu quả nhất, tác động nhanh nhất, biết điều nhất có thể. Người tặng và người nhận cứ xem đây như là thăm viếng, tặng quà tình cảm là cách tế nhị. Xem đó như là phong tục, đâu phải đưa hối lộ.
Những năm gần đây, các vụ án tham nhũng có liên quan đến hối lộ đưa ra xét xử nhiều, những bản án nghiêm khắc dành cho đối tượng đưa và nhận hối lộ. Vậy nhưng đã có bao nhiêu người lấy đó làm bài học cảnh tỉnh, chùn tay, kẻ có điều kiện lấy đó làm “gương”?.
Vụ án liên quan AVG nếu gia đình ông Nguyễn Bắc Son không nộp lại 3 triệu USD thì ông ta khó thoát án tử hình. Vụ án nhận hối lộ chạy tội cho Phan Văn Anh Vũ mà cựu đại tá công an Nguyễn Duy Linh phải nhận án phạt 14 năm tù mới được xét xử vài tháng trước dù rất nghiêm khắc, không có vùng cấm là những cảnh báo.
Đến thời điểm hiện nay, khi nổi lên trong ngành y tế hàng loạt vụ án vẫn tiếp tục diễn ra với tính chất rất nghiêm trọng đang làm nhức nhối dư luận. Trong khi đó, vì lợi ích cá nhân, các loại đối tượng làm ăn bất minh tìm cách nhắm vào những cán bộ có chức vụ, người có quyền quyết định duyệt dự án, kinh phí, chủ đầu tư. Chúng không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích, đặc biệt là dùng vật chất để mua chuộc, tác động từ những xấp phong bì, thậm chí cả va ly tiền.
Vì vậy mới có những kẻ có quyền mờ mắt sẵn sàng duyệt những công trình, những dự án tiền tỷ, nhập công nghệ lạc hậu dù biết là không có hiệu quả, sai nguyên tắc chỉ vì những khoản phần trăm mà chắc chắn sẽ được “lại quả”.
Không có lý khi các vị quan chức vi phạm khai trước tòa không biết những khoản đó được biếu từ chênh lệch, hoa hồng sau mỗi phi vụ? Chắc chắn không thể tự nhiên mà người ta lại bỏ ra một cục tiền biếu cho mình một cách vô tư!
Hối lộ hiện nay đang được biến tướng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, khéo léo. Một trong những cách thức dễ thấy là lợi dụng những dịp kỷ niệm, lễ tết, sinh nhật... để hợp thức hóa món quà hối lộ. Nên nhớ rằng, trên thương trường, cái gọi là lợi nhuận quyết định tất cả, không ai cho không bất cứ cái gì. Quan trọng nhất là người lãnh đạo cần tỉnh táo, cảnh giác, dẹp bỏ lòng tham. Tâm niệm điều đó để giữ cho mình khỏi rơi vào cạm bẫy.
NGUYỄN AN HÒA