Cha bà là Lê Văn Ân, (chết 1974), và mẹ là Huyền Tôn Nữ Thị Lụt (chết năm 1989). Cha mẹ bà có 3 người con gồm: bà Em; ông Lê Văn Nhơn, sinh 1935, trú tại thôn Cư Chánh 1, xã Thuỷ Bằng; ông Lê Văn Mừng, cư trú ở Mỹ (chết năm 2000). Sau khi qua đời, cha mẹ bà để lại di sản là nhà, đất ở, đất vườn, tại xã Thuỷ Bằng, thị xã Hương Thuỷ. Năm 2006-2007, nhà nước mở đường giao thông tại địa phương, ông Nhơn có yêu cầu bà ký biên bản giải phóng mặt bằng bồi thường về đất. Địa điểm diễn ra việc ký giấy là tại nhà bà Thuý (con dâu ông Nhơn) có các con ông Nhơn là Lê Văn Việt, Lê Văn Vệ, Lê Văn Vũ, bà Thuý, và một cán bộ xã Thuỷ Bằng. Ông Nhơn nhận tiền bồi thường. Nhưng không giao tiền (phần bà) cho bà. Mặt khác, bà chưa ký một giấy tờ thoả thuận nào về đất đai, vì đó là tài sản thừa kế chung của ba chị em bà, nhưng không hiểu vì sao ông Nhơn lại có “Giấy từ chối nhận di sản thừa kế” (GTCNDSTK), có chữ ký, dấu lăn tay của bà và của ông Nguyễn An Thành (con bà), để con trai ông Nhơn là Lê Văn Việt làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do UBND huyện Hương Thuỷ cấp ngày 27/6/2008, diện tích là 1.427,9m2. Bà Em đề nghị các cơ quan cấp trên kiểm tra, làm rõ việc bà có ký biên bản đền bù giải phóng mặt bằng làm đường giao thông và GTCNDSTK tại nhà bà Thuý, có các ông bà nêu trên, là sự thật hay là hành vi lừa đảo của ông Nhơn đối với chính quyền để xử lý theo pháp luật, nhằm bảo vệ quyền thừa kế tài sản cho mẹ con bà.

Việc khiếu nại của bà Em, chúng tôi đã có bài “Bà Lê Thị Em phải có nghĩa vụ chứng minh về tố cáo của mình trước pháp luật” đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số 4921 ngày 29/9/2010. Trong quá trình tìm hiểu và kiểm chứng toàn bộ sự việc bà Em khiếu nại, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Thái, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Thuỷ Bằng, bà Lê Thị Em, ông Nguyễn An Thành (con trai bà Em), những người liên quan và các tài liệu, văn bản liên quan đến việc khiếu nại của bà Lê Thị Em.

Nội dung bài báo thể hiện văn bản tài liệu mà UBND xã và những người liên quan cung cấp, xác nhận của Chủ tịch UBND xã Thuỷ Bằng, đã khẳng định có việc bà Lê Thị Em ký và lăn tay vào GTCNDSTK. Đặc biệt, ông Nguyễn An Thành khẳng định chữ ký, dấu lăn tay trong GTCNDSTK đúng là của bà Em và ông Thành. Tuy nay ông Thành cho rằng, ông không nhớ trong văn bản mà ông ký xác nhận dấu lăn tay của bà Em, có nội dung “từ chối nhận di sản thừa kế” hay không? Nhưng ông Thành khẳng định, ông đã đọc lại toàn bộ văn bản nêu trên cho bà Em nghe trước khi bà ký và lăn tay vào văn bản này. Vì vậy, cũng khẳng định, bà Em và ông Thành đã biết rõ nội dung văn bản mà họ lăn tay và ký xác nhận vào đó. Vậy nên việc bà Em cho rằng, do bà không biết chữ nên bị ông Nhơn lừa, lăn tay vào GTCNDSTK mà cứ nghĩ là biên bản giải phóng mặt bằng bồi thường đất, là không có căn cứ.
 
Bà Em còn cho rằng, việc chứng kiến của ông Nguyễn Ngọc Dự, lúc đó là cán bộ tư pháp xã Thuỷ Bằng là hành động mờ ám, có sự sắp đặt tính toán của ông Nhơn, vì ký GTCNDSTK thì phải trực tiếp đến UBND xã để xin chứng thực. Không có lý do gì mà cán bộ tư pháp xã phải về tận nhà ông Nhơn để chứng kiến xác nhận, sau đó báo cáo ông Phó Chủ tịch (nay là Chủ tịch) ký xác nhận?
 
Ông Nguyễn Thái, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Bằng cho biết: trong trường hợp người dân già cả, ốm đau hoặc lý do chính đáng không thể đến UBND ký giấy tờ được, họ có yêu cầu, thì UBND cử cán bộ của UBND đến tận nhà chứng kiến xác nhận, tạo thuận lợi cho nhân dân (như trường hợp bà Em, ông Nhơn). Ông Nguyễn Ngọc Dự khẳng định, trước khi bà Em ký, lăn tay vào GTCNDS, bà đã nghe ông Thành đọc lại toàn bộ văn bản đó.
 
Vậy nhưng, bà Lê Thị Em vẫn tiếp tục có khiếu nại gửi đến Báo Thừa Thiên Huế cho rằng GTCNDSTK hiện nay ông Lê Văn Nhơn đang giữ là bất hợp pháp vì dùng thủ đoạn lừa đảo mà có. Đồng thời, bà cung cấp thêm một văn bản là “Đơn khiếu nại giải quyết tranh chấp quyền thừa kế di sản” lập ngày 20/5/2005 kèm theo một tờ giấy có nội dung xác nhận mảnh đất ông Lê Văn Nhơn đang ở là của ông Lê Văn Ân và bà Công Huyền Tôn Nữ Thị Lụt tạo lập, có chữ ký, dấu lăn tay của người làm chứng là các ông, bà Nguyễn Ngọc Chương, Nguyễn Văn Chắt, Trần Thị Cặng. Tuy nhiên, văn bản nêu trên mà bà Em cung cấp có nội dung người biết việc bán đất cho ông Lê Văn Ân, lại không liên quan gì đến việc từ chối nhận di sản của bà, nên không thể chứng minh được ông Lê Văn Nhơn có hành vi lừa đảo để bà ký và lăn tay vào GTCNDSTK. Mặt khác, những người làm chứng mà bà Em xuất trình lấy chữ ký của họ, thì ngay trong “Giấy mại đoạn đất”, lập ngày 02/8/1960, bà Trần Thị Cặng và nhiều người khác là con của ông Trần Thiều đã  ký giấy bán đoạn đất cho ông Lê Văn Nhơn mua, có cả thôn trưởng thôn Cư Chánh và đại diện UBND xã Thuỷ Bằng chứng thật, ký tên đóng dấu.
 
Quỳnh Anh