Dệt may - một trong những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh

Khó khăn của nền kinh tế trong hai năm qua là sự tác động mạnh mẽ nhất của dịch bệnh. Yếu tố này đã được kiểm soát giảm rủi ro hơn vào cuối năm 2021; thể hiện rõ nhất là chiếc “áo giáp” vắc-xin đã được bao phủ khá cao. Bộ Y tế cho biết đến ngày 24/1, Việt Nam đã tiêm 176,5 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Ở Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 26/1, tổng cộng có hơn 1,7 triệu liều vắc-xin được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có hơn 880.000 liều là mũi 2. Số người từ 12 đến 17 tuổi cũng được triển khai tiêm với tốc độ khá nhanh. Một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế mở cửa hoàn toàn thì chuyện phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế là điều có thể dự đoán được. Năm 2020, tốc độ phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế chỉ đạt 2,6%. Năm 2021, như chúng ta đều biết, dịch bệnh còn nặng nề hơn nhưng tốc độ phát triển kinh tế vẫn tốt hơn, đạt 4,36%. Năm 2022, yếu tố dịch bệnh được kiểm soát thì dự kiến tốc độ phát triển kinh tế thấp nhất là 6,5%, tăng nhỉnh hơn 2% so với năm trước là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.

Yếu tố thứ hai là nguồn lực bổ sung cho tốc độ tăng trưởng được tăng cường. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 bổ sung thêm 5.200 tỷ đồng vốn; có 37 dự án đầu tư mới với số vốn tăng thêm 20.000 tỷ đồng.

Một nguồn vốn đầu tư công tốt hơn từ cơ chế đặc thù dành cho Thừa Thiên Huế được bổ sung. Theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm nay có thể đạt cao nhất đến 28.500 đồng, tăng từ 10 -12% so với năm trước.

Hai lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và nông - lâm - ngư nghiệp năm 2021 vẫn giữ được nhịp độ phát triển, tương ứng mức tăng lần lượt là 7,74% và 3,62%, tăng cao hơn năm trước đó. Riêng lĩnh vực nông - lâm - ngư có mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Có thể nói, hai lĩnh vực nói trên không ảnh hưởng nhiều lắm do dịch bệnh và vẫn giữ được đà tăng trưởng. Riêng mảng công nghiệp và xây dựng năm nay có cơ hội phát triển mạnh hơn từ nguồn tăng vốn đầu tư công và của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, một tín hiệu lạc quan là từ ngành dệt may, một ngành có thế mạnh của tỉnh. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy mới để nâng công suất như Công ty cổ phần Dệt may Thiên Phú An. Mới đây nhất, vào cuối năm 2021, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài đã khánh thành nhà máy thứ 3 với công suất 30.240 cọc sợi; chúng ta cũng đã bắt đầu chuẩn bị những điều kiện cho công nghiệp phụ trợ ngành dệt may phát triển…

Có khả năng cao là mảng du lịch - dịch vụ sẽ dần phục hồi theo định hướng sống chung với COVID-19 của Chính phủ và lộ trình mở cửa dần, chậm nhất là đến nửa năm 2022 sẽ mở cửa hoàn toàn. Có hai điều chúng ta kỳ vọng việc mở cửa du lịch sẽ đến sớm là độ phủ vắc-xin cao và việc thí điểm mở cửa giai đoạn 1 có nhiều tín hiệu khả quan. Như ở Khánh Hòa, Phú Quốc, Hội An đã đón khách quốc tế, tuy quy mô còn khiêm tốn. Với ngành hàng không, đường bay nội địa đã mở lại nhiều và đường bay quốc tế cũng dần phục hồi.

Một yếu tố “ngoại lai” khác có thể tác động đến chúng ta, đó là, một số thị trường du lịch cạnh Việt Nam, ở khu vực Đông Nam Á nhiều nước hầu như đã mở cửa sớm với những điều kiện thông thoáng. Chúng ta, dù có thận trọng đến đâu cũng phải xem xét đến yếu tố cạnh tranh. Ngành du lịch, không hy vọng gì đạt như thời hoàng kim, chỉ cần đạt một phần nào đó thôi cũng đủ để chúng ta vui mừng trong năm 2022. Có thể đây sẽ là năm khởi đầu sau 2 năm du lịch gián đoạn.

Bài: Nguyên Lê - Ảnh: Hoàng Phước