Máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng ở xã Phú Thanh (TP. Huế)
Mô hình “không dấu chân”
Phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái được đưa vào sản xuất lúa từ đầu vụ đông xuân năm nay được xem là bước tiến mới trong cơ giới hoá (CGH) nông nghiệp. Mô hình này bước đầu được người dân đón nhận, tâm đắc và ví rằng làm ruộng “không dấu chân”.
Thoạt đầu nghe làm nông “không dấu chân” thật sự khó hiểu, nhưng khi tận mắt chứng kiến phun thuốc BVTV trên lúa mới thấy điều mà nông dân ví von hoàn toàn thực tiễn. Người dân chỉ cần đứng trên bờ đê, đường nội đồng cách đồng ruộng vài chục mét đến cả trăm mét có thể điều khiển chiếc máy bay phun thuốc BVTV trên ruộng lúa một cách dễ dàng, tiện lợi.
Phun thuốc BVTV, gieo sạ lúa bằng máy bay không người lái là mô hình khá mới lạ đối với nông dân Thừa Thiên Huế. Nhưng với nhiều tỉnh, thành, nhất là các nước có nền nông nghiệp phát triển đang là điều bình thường, chứng minh thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường.
Đứng trên bờ đê, chứng kiến cán bộ kỹ thuật điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, nông dân Trần Văn Thành ở xã Phú Thanh (TP. Huế) tỏ ra rất tâm đắc và mong muốn phương thức canh tác mới này tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Ông Thành cho rằng, CGH nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá sớm nhưng chủ yếu khâu làm đất, thu hoạch, đóng sản phẩm vào bao. Còn khâu phun thuốc BVTV, gieo sạ vẫn theo lối truyền thống bằng thủ công.
Cứ bắt đầu vào mùa vụ đến khi thu hoạch lúa, ông Thành cũng như nông dân mất nhiều thời gian cho quy trình phun thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh. Đó là chưa kể những mùa vụ, thời điểm sâu bệnh hoành hành kéo dài trên đồng ruộng, nông dân mất nhiều thời gian phun thuốc BVTV bằng thủ công. Bình quân một ha lúa, mỗi nông dân phải mất một ngày (8 giờ) phun thuốc BVTV, trong khi đó phun bằng máy bay không người lái chỉ mất 15 phút.
Ông Thành nhẩm tính, chi phí phun thuốc BVTV cho mỗi ha lúa khoảng 250 ngàn đồng nhưng mất một ngày mới xong, còn phun bằng máy bay cũng có giá tương đương, hoặc cao hơn không nhiều nhưng chỉ mất 15 phút. Ngoài ra phun thuốc bằng thủ công truyền thống, người dân thường lạm dụng thuốc BVTV, nay phun bằng máy bay sẽ được quy định, hướng dẫn sử dụng đúng liều lượng phù hợp, thân thiện với môi trường. Đồng thời, hạn chế tối đa dư lượng chất độc hại trên đồng ruộng, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.
Vụ lúa đông xuân năm nay, HTXNN Phú Thanh 2 được Công ty CP Agridrone miền Trung hỗ trợ triển khai mô hình “không dấu chân”, liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô 10ha. Công ty này cung ứng thuốc BVTV, hỗ trợ ứng dụng máy bay phun thuốc BVTV không người lái, kết hợp chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ mới này.
Ông Đặng Hoàng Nghĩa, cán bộ phát triển thị trường của Đội máy bay không người lái thuộc Công ty Agridrone miền Trung thông tin, vụ đông xuân này, công ty liên kết với các HTX như An Nong, xã Lộc Bổn (Phú Lộc), Phú Thanh 2, xã Phú Thanh (TP. Huế)… triển khai mô hình sản xuất lúa bằng máy bay không người lái với diện tích khoảng 200ha. Dự tính trong năm nay, công ty nhân rộng mô hình phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái trên diện tích khoảng 8-10 ngàn ha lúa trên địa bàn tỉnh.
Liên kết để đẩy mạnh cơ giới
Ông Đặng Hoàng Nghĩa khẳng định, công ty sẽ thực hiện mô hình phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái trên toàn bộ diện tích lúa của tỉnh trong một vài năm tới. Từ nay, đơn vị tiếp tục phối hợp với các HTX triển khai tuyên truyền đến nông dân hiểu biết về lợi ích của máy bay phun thuốc BVTV bằng các mô hình thực tiễn. Đơn vị có trách nhiệm đảm bảo cung ứng máy móc, thiết bị, các loại thuốc BVTV phù hợp, theo quy định, quy trình, hướng đến sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường. Chính quyền địa phương, các HTX triển khai quy hoạch vùng sản xuất quy mô lớn, vận động nông dân liên kết, tổ chức sản xuất theo hướng cánh đồng lớn.
Giám đốc HTXNN Đông Phú (Quảng Điền) Lê Văn Thứ trao đổi, hệ thống đê bao, giao thông nội đồng hiện nay được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa. Đây cũng là cơ hội, điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên đồng ruộng. Chừng 5 năm nay, HTX đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp gần như toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn. HTX và hộ cá nhân hiện có hàng chục máy gặt đập liên hợp, hàng trăm máy cày đất đảm bảo các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch lúa đúng thời vụ.
Cứ vào mùa vụ, hay gặp lũ tiểu mãn, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX huy động máy móc cơ giới vào thu hoạch, tránh thiệt hại. Sử dụng máy cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, sản suất lúa nói riêng không chỉ nhanh gọn, kịp thời mùa vụ mà còn giải phóng sức lao động và góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Liên tục nhiều năm gần đây, năng suất lúa bình quân của HTXNN Đông Phú luôn đạt từ 70-75 tạ/ha.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTXNN Thuận Hòa đang liên hệ với đơn vị cung ứng thiết bị máy bay phun thuốc BVTV không người lái để ứng dụng vào sản xuất trên địa bàn. HTX đang vận động, hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất lúa gạo đỏ hữu cơ và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng, đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất trên đồng ruộng. Trên địa bàn hiện có hơn 10 máy gặt đập liên hợp, hàng trăm máy cày. Trước khi bước vào vụ đông xuân này được nhận định có nguy cơ chậm trễ do mưa lũ, ngập úng nhưng HTX huy động toàn bộ máy móc, thiết bị cày đất, đấu úng nhanh chóng, gieo cấy đảm bảo kịp thời vụ.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn của Nhà nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ 10 năm trở lại đây, các địa phương dần chuyển đổi phương thức canh tác, đưa máy cơ giới vào phục vụ các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có tiềm năng, tiếp tục cung ứng thiết bị máy bay phun thuốc BVTV trên đồng ruộng, tạo bước tiến mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo thống kê bước đầu, đến nay, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.500 máy gặt, tuốt lúa có động cơ, máy gặt xếp hàng, máy gặt đập liên hợp, hơn 10 ngàn máy cày tay và hàng ngàn máy kéo có động cơ... đảm bảo phục vụ sản xuất đạt gần 100% diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh. Ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các địa phương, người dân liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn, chuỗi giá trị, tạo điều kiện thúc đẩy CGH, sản xuất nông sản an toàn, tiêu thụ sản phẩm…
Bài, ảnh: Hoàng Triều