Campuchia xem xét biến phế phẩm nhựa thành bê tông làm đường. Ảnh minh họa: Baogiaothong.vn

Dự án được đưa ra bởi Shu Nishiyama, Giám đốc điều hành của IKEE  Co Ltd có trụ sở tại Nhật Bản trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol diễn ra mới đây. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Ông Nishiyama đã trình bày về kế hoạch mới của công ty và đề nghị Bộ Giao thông Công chính Campuchia xem xét phê duyệt sử dụng để chuyển chất thải thành bê tông để làm đường.

Theo ông Nishiyama: “Ở Campuchia, nơi có mưa nhiều và kéo dài, bê tông nhựa được làm từ phế phẩm có thể được dùng để chống thấm và kéo dài tuổi thọ cho con đường được lâu hơn”.

Sau khi nghe về kế hoạch, Bộ trưởng Sun Chanthol ủng hộ công ty và nhận định rằng đây là dự án thân thiện với môi trường. Bộ trưởng kiến nghị, công ty IKEE Co Ltd nên tiến hành một nghiên cứu về chất thải nhựa được tạo ra ở Campuchia. Điều này rất quan trọng, bởi theo dữ liệu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP), mỗi năm, có đến 300 triệu tấn phế phẩm nhựa đã ra đời. Rác thải nhựa tích tụ ở khắp mọi nơi, từ đại dương, vịnh, bờ biển đến các sông, hồ và các khu dân cư. Đây là vấn đề lớn nhận được nhiều sự quan tâm trên toàn cầu và cần có giải pháp giải quyết càng sớm càng tốt.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, chất thải nhựa tái chế thành bê tông được tạo ra bằng cách cho các mảnh nhựa tiếp xúc với một lượng bức xạ gamma nhỏ, vô hại, sau đó nghiền các mảnh nhựa này thành bột mịn. Sau đó, có thể trộn loại bột làm từ phế phẩm đã qua chiếu xạ này với hồ xi măng và tro bay để tạo ra bê tông cứng hơn đến 15% so với bê tông thông thường.

Được biết, rác thải nhựa ở Campuchia đã gia tăng do dân số tăng cao, cũng như gia tăng sinh kế và tăng trưởng kinh tế, thái độ đối với nhựa và mức độ sử dụng nhựa để làm bao bì thực phẩm, hoặc nhiều vật liệu khác thay đổi, cùng với đó là thiếu kiến thức trong việc phân loại chất thải.

Người phát ngôn Bộ Giao thông Công chính Campuchia Vasin Sorya  thông tin, Bộ luôn theo dõi và tìm kiếm các loại vật liệu mới có thể sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)