Với chị Trần Thị Vân, giáp tết là thời gian vàng để mưu sinh

Làm việc thâu đêm

Với những người thợ sơn PU, chị Trần Thị Vân là người phụ nữ đặc biệt. Bởi, chị có tay nghề sơn PU cứng, đội sơn của chị đảm nhận được nhiều công trình lớn, công việc vốn dĩ thường dành cho nam giới… Cuối năm, khi đã bàn giao xong các công trình, chị vẫn làm việc luôn tay, có đêm thức làm đến tận sáng hôm sau để kịp giao hàng cho các xưởng mộc. Đến sáng, khi mọi người thức giấc thì cũng là lúc chị chở hàng đi giao cho khách.

Những ngày trước đó, chị tất bật hoàn thành sơn PU cửa đến mấy ngôi nhà cho khách kịp về nhà mới trước tết. Ngày chạy thoăn thoắt từ công trình này sang công trình khác, đêm về chị còn nhận hàng ở các tiệm đồ gỗ quen về làm. Một ngày làm việc của chị kéo dài từ sáng đến khuya. Hầu như đêm nào, chị Vân cũng lục đục sơn, tít hàng tới 4 giờ sáng mới ngủ.

Chị Vân kể, công việc sơn PU đồ gỗ làm quanh năm nhưng bận rộn hơn vẫn là thời điểm cuối năm. Nhiều chủ nhà đòi hỏi tiến độ công việc để kịp về nhà mới trước khi tết đến. Đây cũng là thời điểm hàng ở các xưởng mộc về nhiều để phục vụ nhu cầu mua sắm nội thất đón tết của khách hàng. Quanh năm vất vả, tết cận kề, chị càng gấp gáp hơn như chạy đua với thời gian.

Nhìn dáng người phụ nữ gầy, nhỏ nhắn, khó có thể hình dung chị có đủ sức bền để trụ với nghề sơn PU gần 20 năm, bởi đây là nghề rất vất vả và độc hại, ngay cả với nam giới. Dáng vẻ thấm mệt nhưng chị vẫn tươi vui ngắm nhìn những sản phẩm đồ gỗ được chị khoác lên “chiếc áo mới” và vui vẻ kể về công việc. Chị Vân chia sẻ, ngoài thu nhập tốt, chị đến với nghề sơn PU cũng bởi duyên và gắn bó vì đam mê.

Cách đây 20 năm, chị Vân vốn là công nhân một công ty đông lạnh, mùa hè không có việc, chị gia nhập phụ việc cho đội thợ sơn PU ở đường Mai Thúc Loan, TP. Huế. Là phụ nữ nhưng thấy chị chăm chỉ, chịu khó lại khéo léo, tháo vát nên ông chủ truyền nghề cho chị. Chị nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật và thạo việc, rồi tự thành lập đội sơn PU riêng. Cách đây hơn 10 năm, chị Vân gần như là người phụ nữ duy nhất làm nghề này ở Hương Thủy.

Nghề chọn người

Năm nay ngoài 50 tuổi nhưng tay nghề giỏi lại làm việc cẩn thận, có tâm, nhiệt tình, uy tín nên người này giới thiệu người kia, chị Vân làm quanh năm không hết việc. Đội thợ của chị trước đây trên 15 người, nhận công trình khắp nơi trong tỉnh, từ công trình Nhà nước đến nhà tư gia. Có khi, chị dẫn thợ về tận Phú Lộc ở lại làm suốt tháng trời. Sau này, khi lớn tuổi, chị tinh gọn lại đội thợ còn 5-7 người. Ngoài các công trình nhà ở, công sở, chị Vân còn có nguồn hàng từ các xưởng mộc. Mối làm ăn nên khi hàng nhiều, chị thường xuyên thức đêm thức hôm.

Nhận nhiều công trình cùng lúc, là thợ chính đảm nhận việc phun sơn, khâu quan trọng nhất của sơn PU, mỗi ngày, chị Vân di chuyển từ công trình này sang công trình khác quán xuyến công việc và phun sơn. Là phụ nữ nhưng đóng giàn, leo giàn, chị làm được tất, kể cả làm việc ở trên giàn giáo cao ngất ngưởng mấy tầng lầu.

Theo chị Vân, nghề sơn PU đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận. Một sản phẩm được sơn PU đẹp là sự kết hợp của nhiều công đoạn, từ khâu làm nguội, làm láng đến cách pha màu trùng với màu gỗ, kỹ thuật phun sơn đều tay để gỗ lên màu thật đẹp…

“Tỉ mỉ nhất là hàng công nghiệp ở các xưởng mộc, phải tít những chỗ bị lỗi, pha màu giả gỗ và vẽ vân gỗ. Những món đồ sơn son thếp vàng ở các phủ đệ, công trình trùng tu di tích cũng đòi hỏi kỹ thuật rất cao để mỗi món đồ có màu cổ xưa. Với mỗi loại gỗ, thợ sơn PU phải biết chất gỗ đó khi lên nước sẽ là màu gì để pha màu bột tít phù hợp”, chị tiết lộ.

Chồng sức khỏe không tốt nên chị Vân là trụ cột gia đình. Chồng và con trai cũng phụ việc cùng chị nhưng anh thường xuyên đau ốm, con trai đã lập gia đình nên mình chị cáng đáng mọi việc. Chị tâm sự: “Công việc vất vả nhưng cũng may trời thương cho tôi sức khỏe bền bỉ. Sơn PU rất độc, dù cơ địa không bị dị ứng nhưng khi phun sơn gỗ ốp trần, tôi phải ngẩng mặt lên, hơi cay phả lên mặt dù đã bịt khẩu trang kín mít, đêm về cũng bị tức ngực khó thở không ngủ được. Đàn ông làm nghề này đã vất vả, phụ nữ càng nhọc nhằn bội phần”.

Chị trải lòng thêm, biết làm nghề này độc hại, giảm tuổi thọ nhưng sinh nghề tử nghiệp, nghề chọn người thì cứ làm khi sức khỏe còn cho phép. “Tôi xác định gắn bó lâu dài với nghề này ngoài công việc ổn định, thu nhập tốt còn vì đam mê, thực sự yêu thích và tâm huyết với nó. Ngắm mỗi sản phẩm được khoác chiếc áo mới bóng loáng là niềm vui để tôi tiếp tục theo đuổi nghề. Mỗi khi bàn giao công trình cho chủ nhà, sự hài lòng của họ là nguồn động viên lớn đối với tôi”, chị đúc kết khi trụ lại với nghề này.

Tết về, mọi người rộn ràng làm đẹp, sắm sửa quần áo mới còn chị Vân vẫn đang lấm lem bụi với sơn. Trên đường đi làm về, chị tạt qua chợ mua vội mứt, bánh... Ngày 29 tết, chị lại bận rộn với công việc của người phụ nữ: dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng mâm cỗ tất niên và giao thừa. Nhưng chị không hề chạnh lòng vì điều đó, vì với người lao động như chị, tết là thời gian vàng để mưu sinh.

Bài, ảnh: Minh Hiền