Chúc tết nội ngoại là truyền thống của người Huế 

Mà cũng đúng thôi, chuyện ăn nó chỉ quan trọng ở vào thời đói cơm khát áo chứ không phải mọi thứ… khá no đủ như bây giờ. Theo thống kê, nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế cho biết, giai đoạn 5 năm từ 2016-2021, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam tăng hơn 10% mỗi năm. Có tổ chức còn cho biết đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đứng thứ 3 ở vùng Đông Nam Á.

Ở Huế thì tầng lớp trung lưu được nhìn nhận như thế nào? Thì cứ nhìn vào tài sản và mức độ chi tiêu các loại hình dịch vụ hạng trung. Đất đai là một tài sản có giá trị cao nhưng qui hoạch ở khu đô thị nào ra đời là bán hết vèo. Một mặt hàng “xa xỉ” khác là ô tô tăng nhanh đáng kể. Các sản phẩm và loại hình dịch vụ trung và cao cấp cũng nhiều hơn, từ chuyện ăn là các nhà hàng, quán bar, chuyện mặc là thời trang, phương tiện đi lại; các đồ gia dụng và trang trí nội thất; đến những việc khác như làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng nhiều…

Chính tầng lớp trung lưu này đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn các các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng. Các ngày lễ, ngày nghỉ và tết là những dịp để chi tiêu, mà đặc biệt và tập trung cao nhất  là dịp tết. Chúng ta thấy tết là đông người, là tấp nập mua sắm, thụ hưởng các loại hình dịch vụ, trong đó có các hạng trung và cao cấp, cho nên chuyện – chuyển từ khái niệm ăn tết sang chơi tết cũng là dễ hiểu. Thực ra cũng khó tách bạch thế nào là ăn tết và chơi tết mà có vẻ hai thứ này nó thường “trộn lẫn” vào nhau. Ăn cũng là một cách chơi mà chơi cũng là một cách thưởng thức. Về chuyện chơi tết thì đã rõ, nó làm thỏa mãn ở mức cao hơn về đời sống tinh thần. Cho nên chuyện ăn cũng phải là như vậy – ăn không phải để no mà phải cho ngon, thậm chí cho sang. Sang thì cũng có thể tổ chức ở nhà. Nhưng vừa sang vừa thỏa mãn đời sống tinh thần thì phải “đổi gió”, phải đi du lịch, đi chỗ nhà chỗ kia – nhà hàng, quán bar, các điểm đến du lịch, khu vui chơi giải trí… Tức là phải hưởng các loại hình dịch vụ.

Năm nay bị ảnh hưởng dịch bệnh chứ những năm trước chúng ta thấy, cái sự chơi đã làm cho thành phố, các trung tâm thị xã, huyện nhộn nhịp hẳn lên. Các dịch vụ từ bình thường đến trung và cao cấp chớp lấy thời cơ  phục vụ để kiếm tiền từ mức chi tiêu cao của người tiêu dùng. Thế là cả xã hội hầu như không nghỉ tết, phố chỉ vắng lặng cùng lắm là sáng Mùng Một tết mà thôi.

Cũng như nhiều nơi khác, cách chơi tết ở Huế là sắp xếp hành trang để đi du lịch, đặc biệt là lớp trẻ. Năm này thì đến tỉnh này năm khác lại đến tỉnh kia. Năm nào làm ăn khấm khá thì có thể đi nước ngoài hoặc đến các resort. Người Huế đi các nơi khác còn người ở các nơi khác lại tìm đến Huế. Cho nên dịp tết mới gọi là dịp cao điểm du lịch. Dịp tết và dịp hè đã góp phần làm tăng trưởng khách nội địa ở mức hai con số mỗi năm.

Từ Mùng 1 đến Mùng 10 diễn ra lễ hội ở nhiều nơi, nên có một kiểu chơi tết nữa là đi lễ hội ở các vùng quê. Huế là vùng đất Phật giáo nổi tiếng, là nơi có rất nhiều chùa chiền và nhiều ngôi cổ tự. Chùa Huế thường rộng, gắn với cảnh quan thiên nhiên đẹp nên đi viếng chùa vào dịp đầu năm cũng là xu hướng thu hút ngày càng đông người. Các chùa xây dựng trên các vùng núi có cảnh quan đẹp như chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân (Vinh Hiền, Phú Lộc), chùa Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc dưới chân núi Hòn Vượn heo hút (TP. Huế); hay như Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã (Phú Lộc)… lại càng thu hút nhiều người đến. Vì vậy, đi chùa không chỉ là thuần là về mặt tâm linh, để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới mà còn là để thưởng ngoạn cảnh đẹp của vườn, của kiến trúc, của thiên nhiên.

Có lẽ, không chỉ có chừng đó cách chơi tết. Đi thăm nội ngoại hai bên; đến thăm nhà của nhau trong dịp tết cũng có thể gọi là một cách chơi tết nữa. Vì là nó nghĩa tình, đầm ấm và vui tươi.

                                                                   Nguyên Lê