Phủ xanh đất cằn

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu của một số gia đình ở khu vực đồi núi, ông Trần Văn Chỉnh, hộ trồng tiêu lớn nhất ở xã Lộc Điền kể, trước đây vùng đất này được xem là khó trồng trọt. Đất đồi, thậm chí có đá gành, trồng sắn, thông, keo khó lên. Thế mà sau khi cải tạo để trồng tiêu, những vùng đất này đem lại giá trị hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ vào vườn tiêu phát triển tốt, ông Chỉnh bảo: “Vườn tiêu này sẽ thu hoạch vào tháng 5, đó là nguồn thu nhập khá lớn của gia đình”.


Kinh tế gia đình ông Chỉnh trở nên ổn định nhờ trồng tiêu

Trên con đường chúng tôi ngang qua, nhiều vùng đất đồi, bạc màu nhờ bàn tay canh tác của người nông dân được phủ xanh màu tiêu. Ông Chỉnh bảo: “Như hộ ông Phước trồng ở nơi đất toàn đá gành. Khi mới trồng ai cũng lắc đầu nói lỗ là cái chắc. Thế mà chỉ vài tháng nữa thôi, ông ấy sẽ có một khoản thu nhập lớn”.

Ông Chỉnh tâm sự, trồng tiêu không khó, quan trọng là biết kỹ thuật chăm sóc. Với mỗi gốc tiêu mới trồng, tính luôn tiền phân thuốc, cọc tre, nước tưới và mọi thứ liên quan, vốn ban đầu bỏ ra chỉ 495.000 đồng/gốc tiêu. Sau năm đầu, các năm tiếp theo chi phí bỏ ra khoảng chừng 50-60.000 đồng/năm. Mỗi gốc tiêu, dù không được mùa cũng cho ra khoảng 3kg quả. “Theo giá trị trường bình quân 200.000 đồng/kg (có khi đến 250.000 đồng/kg), ít lắm cũng thu về 600.000 đồng mỗi gốc tiêu”. Ông Chỉnh nhấn mạnh.

Nhờ trồng tiêu, một số gia đình ở các xã như Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Bổn của huyện Phú Lộc trở nên khấm khá. Với mỗi sào trồng khoảng gần 100 gốc tiêu, mỗi vụ cũng đem về cho họ vài chục triệu/sào. Cá biệt có những người lên đến vài trăm triệu đồng nhờ trồng nhiều, khiến không ít người phấn khởi.

Ông Bạch Văn Khai, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc nhận định: “Cây tiêu là loại cây không khó trồng, thích nghi được với nhiều địa hình khác nhau, thậm chí trên đất cát cũng trồng được nếu biết cách chăm sóc. Đây là loại cây cho giá trị kinh tế lớn ở huyện Phú Lộc, chỉ đứng sau thủy sản. Tính bền vững, ổn định cũng tương đối nên nếu người nông dân chịu khó canh tác, trồng trọt, đời sống người nông dân sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan”.

Còn nhỏ lẻ, tự phát

Hơn 10 năm trước, cây tiêu đã được trồng ở một số địa phương của huyện Phú Lộc. Thời điểm này, do người dân còn hạn chế trong khâu áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt nên sản lượng thu hoạch không cao, hơn nữa giá thành lúc đó chưa thực sự hấp dẫn khiến nhiều người nông dân bỏ cuộc. Năm 2012-2013, thấy giá bán được, nhiều hộ dân bắt đầu trồng tiêu trở lại, từ đó nhiều vườn tiêu mọc lên.


Hiện cách làm của người nông dân chủ yếu là học hỏi lẫn nhau

Mặc dù một số địa phương được tập huấn, hỗ trợ vốn để phát triển nhưng nhìn chung, mô hình này vẫn còn nhỏ lẻ, hình thức trồng ở nhiều địa phương mang tính tự phát, chưa có quy hoạch và phương pháp trồng trọt cụ thể. “Hiện tại cũng chỉ có Lộc Điền, Lộc Hòa và Lộc Bổn trồng tiêu trong khi điều kiện thực tế, nhiều vùng khác có thể trồng được”. Ông Khai cho biết.

Trao đổi với ông Đào Văn Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa, được biết, trước năm 2012, người nông dân ở xã Lộc Hòa trồng theo hình thức tự phát. Năm 2012, dự án hỗ trợ nông dân vay vốn giúp cho 27 hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn 300 triệu đồng để trồng tiêu. Đến nay, trên toàn xã chỉ có khoảng 120 hộ của 10 thôn trồng tiêu quy mô từ 0,5-5 sào/hộ, còn lại, khá nhiều hộ vẫn đang trồng nhỏ lẻ.

Làm một thống kê nhỏ về diện tích trồng tiêu của cả ba địa phương là Lộc Điền, Lộc Hòa, và Lộc Bổn, con số lần lượt là 12 ha – 4 ha - 6,1 ha thì tổng số diện tích trồng tiêu trên toàn huyện mới chỉ đạt hơn 22 ha. Số lượng người trồng tiêu cũng khá dễ tính, Lộc Điền có 32 hộ, Lộc Hòa 120 hộ và Lộc Bổn 41 hộ, đây là những con số còn “khiêm tốn” với số dân của các địa phương.

Trò chuyện với lãnh đạo Hội nông dân các xã, đa số họ đều cho rằng việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tiêu là hợp lí và cần nhân rộng bởi cây tiêu mang lại thu nhập bền vững. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, quy mô cây trồng này vẫn đang bị giới hạn.

“Hộ trồng tiêu ở Lộc Bổn chủ yếu tập trung ở thôn Bến Ván. Trước đây, có nhiều dự án kinh tế được đầu tư nhưng không thành công. Lần này, cây tiêu khả năng có hiệu quả. Tuy vậy, cái khó của người dân là không có vốn để nhân rộng”. Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bổn, bày tỏ.

Trong khi đó nhiều hộ nông dân ở Lộc Điền cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là vốn bởi nếu tính kĩ, đầu vào cây giống và vốn ban đầu không cao, nhưng việc nắm chắc khoa học kỹ thuật đến tận từng người dân là vấn đề nên được quan tâm.

Theo ông Ngô Cao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Điền, việc trồng tiêu vẫn chưa được quy hoạch rõ ràng, khá nhiều hộ trồng theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ. Công tác tập huấn vẫn còn khá ít, vấn đề là làm sao tiếp cận với khoa học kỹ thuật”.

Tìm hiểu thực tế ở nhiều hộ nông dân, mặc dù biết được lợi ích của cây tiêu, nhưng nhiều người vẫn tính cái lợi trước mắt từ những cây trồng: chuối, cây ăn quả,… với tư tưởng “chắc ăn”, thêm vào đó sự liên kết giữa nông dân và các cơ quan phụ trách về khoa học nông nghiệp chưa chặt chẽ đã thiếu định hướng chắc chắn cho người nông dân.

Cũng theo ông Khai, nếu người dân quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tiêu, hướng theo hình thức mô hình cây trồng chủ lực, không trồng tự phát, nhỏ lẻ nữa, Phòng NN&PTNT sẽ hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật để họ phát triển kinh tế.

Lê Hữu Phúc