Ra đồng chăm lúa sau tết
Từ ngày 4/2 (tức ngày mồng 4 Tết Nguyên đán), nông dân nhiều địa phương đã ra đồng thăm lúa, trỉa dặm, chuẩn bị nông cụ, phân bón cho mùa vụ mới. Cây lúa sau một thời gian “ngậm rét” đã xanh chấp chới trên đồng.
Vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy khoảng hơn 28 nghìn ha, đến nay cơ bản đã gieo cấy xong trước Tết Nguyên đán, có khoảng 10 nghìn ha bắt đầu đẻ nhánh. Giai đoạn này, công tác thăm đồng, phát hiện sâu bệnh để quản lý, phòng trừ rất quan trọng.
Gần 30 năm trồng lúa, nông dân Lê Văn Tý (Phú Dương, TP. Huế) đã đúc rút cho mình những kinh nghiệm quý báu trong việc chăm cây lúa vụ đông xuân. Ông Tý bảo rằng, trong nông nghiệp, ngoài yếu tố nước, nguồn giống thì tính chuyên cần, siêng năng của nông dân cũng là yếu tố quyết định. Thăm lúa đầu năm, không chỉ đơn thuần là đi “lấy ngày” trong nông nghiệp, mà còn ra đồng để kiểm tra, tỉa dặm, phát hiện sớm sâu bệnh mà phòng trừ.
Cây lúa đông xuân năm nay bị ảnh hưởng bởi rét kéo dài từ cuối đến ra đầu năm mới. Nhiều diện tích lúa khó xuống giống do mưa rét, tiêu úng chậm. Đến khi tiêu úng được rồi, gieo sạ gặp rét, chuột bọ thiệt hại khá nhiều. Do đó, nông dân phải “năng” thăm ruộng, trước khi trổ nước 10 ngày phải diệt xong ốc, cỏ dại. Ra tết tăng cường phân bón, cây lúa sẽ phát triển rất nhanh.
Với 5 sào giống lúa mới JO2 cùng với một ít diện tích các giống lúa truyền thống, gia đình ông Tý không chỉ đảm bảo lương thực mà còn có thể xuất bán. “Nhiều năm trồng lúa cho thấy, đầu vụ thường rất khó khăn, đặc biệt trong vụ đông xuân thường hay gặp rét đậm, rét hại. Lúa gặp rét thì ảnh hưởng nhiều nhưng bù lại thời tiết như thế lại ít sâu bệnh, những năm gặp rét đầu vụ thường đông xuân sẽ “thắng lớn””, ông Tý kinh nghiệm.
Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh (Hương Thủy) cho rằng, đối với cây lúa, trong giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh như hiện nay thường xuất hiện một số sâu bệnh như tuyến trùng rễ, chuột, sâu phá hoại. Đặc biệt, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên các giống mới sử dụng sau này như Xi23, X21, JO2. Đối với diện tích mới gieo sạ, ốc bươu vàng tiếp tục phát sinh gây hại. Chuột tiếp tục gây hại gia tăng, nhất là trên các vùng ven đê, mồ mã, chân ruộng cao.
Chuẩn bị vụ gieo trồng mới
Việc nông dân thăm đồng thường xuyên, cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng để chủ động các phương án, giải pháp phòng trừ sâu bệnh là yếu tố cần thiết. Ngoài ra, các địa phương, các HTX cũng có thông tin, trao đổi, phản hồi thường xuyên về tình hình các loại cây trồng cho cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn nhằm chủ động phương án phòng chống.
“Với hơn 320ha lúa, bước vào đầu vụ, HTX đã yêu cầu nông dân có biện pháp diệt chuột, ốc bươu vàng những nơi có mật độ và tỷ lệ cao để hạn chế gây hại, nhất là những thửa ruộng sản xuất gieo cấy các giống lúa mới, chất lượng cao; thường xuyên thăm đồng canh nước từng chân ruộng và hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả. Cũng như một số vụ đông xuân nhiều năm trước, nếu làm tốt công tác tiêu úng, xuống giống đúng khung lịch thời vụ, dù cây lúa gặp rét nhưng tin là mùa vụ năm nay cũng thắng lợi”, ông Thạnh chia sẻ.
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục BT&VT (Sở NN&PTNT) thông tin, nhằm đảm bảo năng suất và sản lượng lúa, ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần bố trí hợp lý nhóm giống dài, trung ngày, ngắn ngày trên cơ sở xem xét cụ thể điều kiện sản xuất từng địa phương, vùng sản xuất.
Về phòng trừ sâu bệnh, chi cục đã yêu cầu các địa phương, các HTX kiểm tra và chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên các giống nhiễm để hạn chế lây lan trên diện rộng. Tiếp tục chỉ đạo gieo cấy diện tích còn lại theo kế hoạch sản xuất đảm bảo theo khung lịch thời vụ. Hướng dẫn nông dân chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ trên đồng ruộng, bón phân thúc cân đối, điều tiết nước hợp lý,... giúp cây lúa sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi (mưa, rét) và sinh vật gây hại; sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả.
Cũng theo ông Lê Văn Anh, các địa phương, HTX cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá để phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, nhất là trên các giống nhiễm như Xi23, X21, JO2,…Theo dõi diễn biến thời tiết và các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp chăm sóc, chống rét, quản lý và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời, hiệu quả. Tổ chức diệt chuột nhằm hạn chế tích lũy mật độ trên đồng ruộng; diệt trừ ốc bươu vàng. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, hướng dẫn nông dân tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh nhằm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối NPK theo đúng qui trình, điều tiết nước hợp lý để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe ngay từ đầu vụ.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng các loại toàn tỉnh đạt 70.350 ha; trong đó diện tích gieo cấy lúa gần 54 nghìn ha (nhóm lúa chất lượng cao 16.575 ha, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 95,2%), năng suất ước đạt 63,5 tạ/ha, cao nhất trong 10 năm trở lại. Năm 2021, đã thực hiện chuyển đổi hơn 551 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên