Đến siêu thị trong những ngày đầu năm mới, đa số các bạn trẻ vừa vui xuân kết hợp mua sắm đồ chơi, quà lưu niệm

Kích thích tiêu dùng đầu năm

Ngay từ sáng mồng 2 tết, Siêu thị GO! (Big C cũ) đã mở cửa đón khách trở lại, sớm hơn những siêu thị, trung tâm thương mại khác trên địa bàn TP. Huế từ 2 đến 4 ngày. Việc mở cửa sớm của siêu thị lại là điều hay vì rất nhiều bạn trẻ, gia đình có con nhỏ vừa có chỗ để vui xuân, gặp gỡ, ăn uống và vừa được mua sắm thỏa thích trong những ngày đầu năm mới.

Bà Phạm Thị Thu Trang, Giám đốc Siêu thị GO! cho biết, nắm bắt tâm lý, xu hướng mua sắm, vui tết của bà con nên nhiều mặt hàng được bố trí lên kệ rất phong phú, bắt mắt, giá cả được khuyến mãi đối với một số món để kích cầu tiêu dùng. Đa phần khách hàng đến với siêu thị trong những ngày đầu mở cửa là các bạn trẻ, gia đình dẫn con nhỏ vừa du xuân vừa sắm tết. Mặt hàng tiêu thụ nhiều trong những ngày này là hàng thức ăn và đồ chơi. 

Chị Trần Thị Chân Như, ở phường Tây Lộc, TP. Huế trò chuyện: "Mình cho 2 con nhỏ đi công viên chụp ảnh, quay phim, tiện thể siêu thị mở cửa nên ghé vào cho các con chọn mua thú bông, búp bê từ tiền lì xì và các món đồ ăn tươi, rau quả về dùng. Biết các chợ, siêu thị sẽ mở bán sớm nên mình không mua trữ thức ăn nhiều trong tết như mọi năm để khỏi bị "ngán", không đảm bảo an toàn vệ sinh".

Khoảng một hai năm trở lại đây, theo khuyến cáo của các chuyên gia và thực tế là thị trường hàng hoá rất phong phú, không bị gián đoạn nên người dân bỏ dần thói quen tích trữ đồ ăn tươi. Vì thế, ngay trong ngày đầu năm mới, tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán một số mặt hàng vẫn được duy trì xuyên năm. Từ ngày mồng 3 tết trở đi, các hàng quán gần như mở bán bình thường trở lại. Đa số giá cả các mặt hàng ổn định, song một số hàng như cau trái, hoa, trái cây vẫn giữ giá cao tương tự những ngày giáp tết. Cau 25 nghìn đồng một trái. Hoa cúc cúng 1 cây 20 nghìn đồng. Giá trái cây tăng nhẹ khoảng 5-10 nghìn đồng/kg. Thịt các loại do còn ít người mua nên giá giữ ổn định như trong năm. Riêng cá, tôm giá có nhích thêm vài chục nghìn đồng mỗi kg so với trong năm.

Cau trầu, hoa, quả là những món hàng đắt khách đầu năm mới

Sức mua vẫn giảm

Đa phần lượng khách đi chợ chủ yếu để mua đồ ăn tươi, vài thứ đồ cúng đầu năm. Còn các mặt hàng tiêu dùng khác vẫn ế ẩm. 

Ki-ốt tạp hoá nằm ngay mặt tiền đường Bùi Thị Xuân, chợ Phường Đúc, TP. Huế, rất thuận tiện để bà con qua lại ghé mua nên từ sáng mồng 4 tết, chị Oanh mở bán lấy ngày. "Mấy năm trước, đầu năm vẫn nhộn nhịp người ghé sắm đôi giày, đôi dép, vài ba vật dụng trong nhà. Nhưng tình hình qua mấy ngày mở bán, chỉ lèo tèo vài ba khách", chị Oanh nói.

Gánh hàng rau trái của dì Viên vẫn còn đầy rổ dù đã trưa chợ. Dì Viên trò chuyện: "Mấy trái bầu, rau khoai nhà, vả, chanh... ni toàn của nhà trồng. Dì để dành đợi ra tết mang đi bán để được giá hơn. Nhưng mấy ngày ni do trời mưa lạnh, nhiều người nhác đi chợ, chứ mọi năm hàng ni quý lắm, dì bán hết liền".

Tại Trung tâm thương mại VinCom và Siêu thị VinMart,  từ 10 giờ sáng mồng 4 tết đã mở cửa hoạt động trở lại. Tương tự như Siêu thị GO!, đối tượng khách hàng đa phần là giới trẻ đến vui chơi, ăn uống, thăm quan "check-in" là chính.

Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các nguồn hàng,nhất là hàng tươi sống phục vụ khách sau tết

Đại diện Siêu thị Co.Opmart Huế thông tin, siêu thị đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn hàng, nhất là hàng thực phẩm tươi sống để mở cửa phục vụ người dân trở lại mua sắm từ ngày mồng 6 tết. Tại khu vực tầng 1 của siêu thị gồm các cửa hàng đồ chơi, đồ ăn nhanh, cà phê cũng đã mở bán trước đó mấy ngày để phục vụ nhu cầu vui tết đón xuân của người dân.

Giám đốc Siêu thị GO! cho biết, cũng như trong tết, sức mua những ngày đầu năm mới giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy sức mua giảm, song các mặt hàng được siêu thị nhập về vẫn phong phú, đảm bảo cung ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời mọi hoạt động kiểm soát khách ra vào đều đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhờ các ngành chức năng kịp thời triển khai nhiều giải pháp cân đối cung cầu nên tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh đảm bảo ổn định, không có tình tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa, giá cả hàng hóa không có biến động lớn, lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội của năm 2021 ước đạt 45.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG