Chuối già lùn A Lưới đã được bày bán lên kệ siêu thị GO! Huế

Diện tích hơn 3ha chuối của hộ ông Hồ Viên Mười, ở xã Quảng Nhâm (A Lưới) trông thật bắt mắt. Từng hàng chuối được phân thành luống theo chủng loại, khoảng cách đồng đều để thuận lợi trong khâu chăm sóc, thu hoạch. Theo người nhà ông Hồ Viên Mười, mùa tết này, gia đình thu hoạch mỗi ha hơn 1.200 buồng chuối, giá bình quân mỗi buồng chuối mốc 70-100 ngàn đồng, ngày tết giá tăng lên gấp đôi, thu hơn 120 triệu đồng/ha. Hiện trong xã có hơn 90% số hộ chuyển đổi vườn đồi để trồng cây chuối.

Ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Kim, Hồng Thái, Hồng Bắc, Hồng Vân, Hồng Thủy... những năm trước đây, chuyện cây chuối trở thành cây trồng mang tính hàng hóa có giá trị kinh tế cao là điều mà các hộ nông dân ở đây chưa bao giờ nghĩ đến. Từ sau khi có chủ trương của huyện về phát triển chuối hàng hóa, hiệu quả kinh tế của cây trồng này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới - Hồ Văn Ngưm cho biết, toàn huyện hiện có 280ha chuối già lùn, chuối mốc, chuối tiêu, trong đó chuối già lùn gần 100ha, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Thái, Hồng Kim... Bình quân mỗi hộ dân ở đây trồng hơn 5 sào chuối, các hộ đều được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn cách chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng trái.

Để hỗ trợ nông dân huyện A Lưới nâng cao thu nhập từ cây trồng này, UBND huyện A Lưới đã phối hợp với Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức bày bán sản phẩm chuối già lùn A Lưới tại Siêu thị GO! Huế và trên kênh bán lẻ tại 20 siêu thị GO! khu vực miền Trung và miền Nam thông qua chương trình sinh kế cộng đồng. Dự kiến, số lượng sản phẩm tiêu thụ đạt khoảng 15 tấn/tháng.

Cùng với cây chuối, thịt bò A Lưới rất được thị trường ưa chuộng, nên hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Phát triển chăn nuôi bò đã giúp người dân trên địa bàn A Lưới có một nguồn thu nhập ổn định, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ cho tiêu dùng và khách du lịch.

Ông Hồ Văn Ngưm thông tin, tổng đàn bò trên địa bàn huyện hiện có 11.000 con. UBND huyện đã có đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng, phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 300 con, làm cơ sở xây dựng nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”…

Theo đề án, UBND huyện A Lưới hỗ trợ 70% lãi suất vay ngân hàng mua bò, hỗ trợ trồng mới 75ha cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi và hỗ trợ bà con kinh phí xây dựng chuồng trại nhằm từng bước phát triển số lượng đàn bò. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật nhân giống, quản lý giống và nuôi dưỡng bò cái sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ năng suất cao và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.

UBND huyện A Lưới có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, dự án phát triển chăn nuôi bò tập trung thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, sơ sở hạ tầng. Tiến hành thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt trên cơ sở các hộ tự nguyện tham gia, cùng nhau liên kết trong chăn nuôi. Kết hợp các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi và các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện tạo thành vùng cung cấp nguyên liệu lớn có chất lượng, bền vững và lâu dài. Nâng cấp lò giết mổ tập trung nhằm cung cấp sản phẩm thịt chất lượng, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

UBND huyện A Lưới sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm an toàn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho bà con nông dân. Trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con nông dân đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sản phẩm, nhất là từ phía Central Group, giúp giữ cam kết về tiêu thụ hỗ trợ lâu dài và quảng bá sản phẩm chuối già lùn A Lưới...

Bài, ảnh: BÁ TRÍ