Gần 50.000 lượt khách đến tham quan các di tích, thắng cảnh Huế trong 3 ngày Tết Nhâm Dần; trong đó, có hơn 500 lượt khách quốc tế. Đây là tín hiệu vui cho sự phục hồi đón khách du lịch trong năm 2022 này.

Vào cuối năm ngoái, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 402/KH-UBND triển khai Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung xây dựng các thương hiệu du lịch chủ đạo song song với nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của loại hình du lịch văn hóa - di sản, trong đó  chú trọng các sản phẩm gắn với “Huế - Thành phố của lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” và “Huế - Kinh đô áo dài”…

Một thông tin phấn khởi nữa là ngày 29/1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Y tế quyết định việc mở lại các hoạt động đón khách, chậm nhất vào dịp 30/4 tới. Đây cũng là thời điểm Việt Nam hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc mùa Xuân 2022, với mục tiêu: Hết tháng 1, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi; trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định. Cùng với đó, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng trong việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới. Đến cuối tháng 1/2022, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi gần 100%, 2 mũi 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi 92%, 2 mũi 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt. Đây là cơ sở để ngành du lịch tự tin để mở cửa trở lại.

Không chỉ ngành du lịch, các lĩnh vực kinh tế – xã hội nói chung cũng có cơ hội để phục hồi phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, ngay từ ngày giáp Tết Nhâm Dần, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; với tinh thần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm...

Theo đó, có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đến nay có thể khẳng định, phương châm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả. Nhìn lại trong năm qua, khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trong quý IV đã phục hồi khá nhanh chóng, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 5,22% (cao hơn tốc độ tăng 4,61% của quý IV/2020). Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành du lịch các địa phương nói riêng và kinh tế - xã hội cả nước nói chung trong năm nay tiếp tục phát triển.

ĐẶNG THÀNH