Nhiều tuyến đường được mở rộng, kết hợp với hệ thống cây xanh tạo nét riêng cho diện mạo đô thị Huế

Nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống người dân

Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn 3 năm thực hiện Chỉ thị 24 –CT/TU về xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người dân toàn tỉnh đã đóng góp tiền, đất đai, hoa màu, ngày công trị giá 315 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2014 tỉnh đầu tư 6 khu TĐC và điểm ĐCĐC, 74 công trình thủy lợi, 370 công trình giao thông và nhiều công trình trường học, nhà văn hóa và các công trình phụ trợ khác; bố trí 19,7 tỷ đồng, xây dựng 302 mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo; có 9 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, 26 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 53 xã đạt 10-14 tiêu chí, 4 xã đạt 7-9 tiêu chí; trong đó, 6 xã đạt được công nhận chuẩn nông thôn mới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới có sức “lan tỏa” mạnh mẽ đến các vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Phong Điền, nơi đã và đang tăng tốc xây dựng trở thành vùng kinh tế năng động, xứng đáng là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, cơ sở hạ tầng từ huyện đến vùng nông thôn phát triển khá nhanh. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm được mở ra với sự nhất trí cao của người dân. Họ sẵn sàng hiến đất, tài sản trên đất để các con đường mọc lên, tạo sự khang trang cho vùng nông thôn.
“Tui đã không ngần ngại hiến hơn 200m2 đất, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương. Ngày tuyến đường khởi công nâng cấp, mở rộng, được nhiều người dân đồng tình hưởng ứng. Họ sẵn sàng hiến đất để mở rộng tuyến đường”, ông Nguyễn Lương Tường, một trong những hộ dân tự nguyện hiến nhiều đất nhất ở xã Phong Hiền (Phong Điền) tâm sự.
Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc đã kéo theo nhiều chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống người dân. Nông thôn mới không chỉ có thêm những con đường mới hơn, sáng đẹp hơn, mà còn đi kèm là các công trình phục vụ dân sinh. Người dân vui mừng, phấn khởi khi thấy trên quê hương mình nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, các thiết chế văn hóa, chợ, điểm bưu điện văn hóa, nhà cửa... không ngừng mọc lên. Chỉ tính riêng năm 2014, thu nhập bình quân khu vực nông thôn toàn tỉnh đạt mức 20,7 triệu đồng (tăng 24,4% so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn cũng giảm đáng kể, chỉ còn 6,64% (giảm 1,87% so với năm 2013). 
Xây dựng nếp sống văn minh đô thị
Tuy vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân thiếu ý thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nhưng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhiều người đã biết mình cần phải làm gì để bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống mới. Trong nếp nghĩ và hành động thường ngày, họ cũng đã có sự thay đổi đáng kể.
Nói chuyện về sự đổi thay, cách nghĩ của người dân trong xây dựng nông thôn mới của không chỉ ở TP Huế mà tất cả các địa phương trong tỉnh, chị Phan Thị Hương trú phường Phước Vĩnh cho rằng: Chủ thể trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị chính là người dân. Nếu ai cũng ý thức giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp như sân nhà mình thì thành phố và các huyện, thị sẽ đẹp lên từng ngày.
Đi trên nhiều tuyến đường của TP Huế, cây xanh cũng đã mọc lên nhiều hơn, rác và nước thải cũng đã được chính quyền địa phương sở tại xử lý khá triệt để. Đó là nhờ lãnh đạo TP Huế đã chỉ đạo quyết liệt để các phường Phú Nhuận, An Cựu, Phú Thuận, An Hòa, Vĩnh Ninh làm điểm các tuyến phố đốt vàng mã trong thùng, lồng ghép mô hình gia đình “5 không – 3 sạch”. TP Huế cũng đã xây dựng được 42 tuyến phố, ngõ phố không rác, hạn chế nước thải trên 27 phường. Có 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, trung tâm huyện lỵ của tỉnh được thu gom xử lý; các biển báo, quy định vị trí đậu, đỗ xe ô tô ở một số tuyến đường TP Huế và các huyện cũng đã và đang được thực hiện.
Tập trung huy động, bố trí nguồn lực
Năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; cuối năm 2020, có tối thiểu 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; không ngừng nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị... là những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới. Nhiều giải pháp để Đảng bộ, chính quyền và các đơn vị, ban, ngành toàn tỉnh thực hiện cũng đã chỉ ra, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là tập trung huy động và bố trí nguồn lực; rà soát, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện địa phương.
Tuy vẫn còn những khó khăn, tồn tại trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhưng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh, hy vọng những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra sẽ đạt kết quả cao nhất.
“Huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang, xây dựng hạ tầng đô thị, bảo đảm môi trường cảnh quan ngày càng xanh – sạch – đẹp. Xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát huy nguồn lực tại chỗ, chủ thể vẫn được xác định là người dân, gắn việc huy động các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn và đồng hương Thừa Thiên Huế; hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo là những giải pháp quan trọng được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định về vấn đề  này.
Bài, ảnh: Anh Phong