Những ngày đầu xuân 2022, giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế hân hoan đón nhận một tập san mang dấu ấn đặc trưng của núi rừng miền Tây Thừa Thiên Huế, đó là tập san "Ngọn núi xanh" của Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Đại học Huế ấn hành, khổ 16x24cm, dày 166 trang, với sự tham gia của các tác giả là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, họa sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh đến từ Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Gia Lai và Đắk Lắk. Họ đã đem đến cho người đọc những tác phẩm thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh phong phú về loại hình và chất lượng về nội dung.

Ảnh bìa tập san “Ngọn núi xanh”. Ảnh: KTS. NGUYỄN XUÂN LỰC

Để có được tập san chất lượng này là một sự cố gắng rất lớn của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh, TS. Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) - Chi hội phó và các hội viên của chi hội. Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện A Lưới, Nam Đông cũng đã có những động viên kịp thời.

Cầm trên tay tập san, người đọc sẽ biết được sự cần mẫn của những người thực hiện tập san đến nhường nào. Từ việc lựa chọn tên cho tập san cũng là một sự trăn trở làm sao cho nó có ý nghĩa và thực sự là “Cái tên gợi nhắc về đại ngàn, nơi từ đó không gian văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đang hiện tồn, được gìn giữ, phát huy” (Lời ngỏ). Và, từ cái tên "Ngọn núi xanh" thân thương đó, xuyên suốt toàn bộ tập san là một sự thi vị như đang ở trên đỉnh non cao.

Bố cục của tập san được hình thành nên các mục như sau:

- Bàn tròn văn chương: Đó là cuộc trao đổi và trăn trở về sự phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với sự tham gia của nhạc sĩ Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà văn Niê Thanh Mai - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà văn Thu Loan (Gia Lai) và nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (Thừa Thiên Huế).

- Gặp gỡ: Phỏng vấn những người làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh về việc triển khai các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Bút ký và ghi chép: Với sự tham gia góp sức của các nhà văn nhằm giới thiệu về dấu ấn văn nghệ trên núi rừng Tây Thừa Thiên Huế (tác giả Đăng Thanh), A Lưới - phố thị vươn dài (tác giả Phạm Nguyên Tường), Vũ điệu xanh giữa núi rừng A Lưới (tác giả A Da Ngo)… mang đến cho người đọc hình dung được một bức tranh núi rừng A Lưới, Nam Đông đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng no ấm.

- Thơ: Có sự đóng góp tác phẩm của những nhà thơ quen thuộc xứ Huế, như Phạm Nguyên Tường, Đặng Văn Sử, Nguyễn Thiền Nghi, Triệu Nguyên Phong, Ngô Công Tấn, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thị Nam… đều mang chất thơ miền núi, với sương khói bảng lảng rừng chiều, với những bức tranh văn hóa tộc người nên thơ, mộc mạc, chân tình.

- Truyện ngắn và kịch: Có sáng tác của nhà văn Niê Thanh Mai, Lê Vũ Trường Giang, Ta Dưr Tư, Phan Thuận Thảo, Hồ Đăng Thanh Ngọc… đã gợi ra cho người đọc những khúc tình sử núi rừng. Ai đã một lần đến Nam Đông, A Lưới sẽ chiêm ngưỡng được những khúc hát dân ca, điệu đàn, những lối sống, phong tục tập quán được thể hiện qua các truyện ngắn, bút ký đặc sắc này. Hoặc đối với lĩnh vực sân khấu có sự tham gia của tác giả Phan Hoàng với vở kịch "Nhịp sống Lô Lô" - như tô điểm thêm một nét văn hóa núi rừng phía Bắc trong dòng chảy văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Ảnh và ký họa: Có sự tham gia đông đảo các họa sĩ, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia được thể hiện qua một số tác phẩm như tranh: Cội nguồn,  nhà rông Pa Cô Hồng Vân, vùng cao… đã điểm xuyến thêm phong vị núi rừng cho tập san "Ngọn núi xanh".

Ngày 31/3/2021, Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh chính thức ra mắt và tiến hành đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ (2021 - 2024) diễn ra tại huyện A Lưới. Chi hội ban đầu có 6 hội viên, tất cả đều đã có những hoạt động văn học nghệ thuật sôi nổi, như: nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, TS. Kê Sửu, nhà thơ Phạm Nguyên Tường, nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong, nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư và nhà nghiên cứu Lê Thị Quỳnh Tường.

Một điều đáng trân quý ở trong tập san này là sự đóng góp bài viết của các hội viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn như TS. Kê Sửu - dân tộc Tà Ôi, nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư dân tộc Pa Cô, họ sẽ là người trao truyền, làm cầu nối đưa văn nghệ các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế hòa chung với vườn hoa văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam.

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG