Thưa ông, sau thế hệ của ca sĩ Vân Khánh, Quang Linh, Mỹ Lệ…, trong những năm gần đây, dường như Huế chưa xuất hiện những gương mặt ca sĩ ghi được dấu ấn trong lòng công chúng cả nước?

Chuyện này giống như “trời cho”. Thế nên vì sao người ta nói vùng này có nhiều người hát hay mà vùng kia không có. Có những mảnh đất sinh ra những ca sĩ rất nổi tiếng, như Quảng Ninh có Lê Dung, Quang Thọ, Ngọc Anh… Những gương mặt mới chúng ta đang phải tìm kiếm. Nhiều khi mới đầu có tín hiệu tốt nhưng đến nửa đường thì thui chột mất.

Theo ông, điều gì khiến chúng ta thiếu vắng những ca sĩ thương hiệu. Vai trò đào tạo của Học viện Âm nhạc Huế trong vấn đề này như thế nào?

Thật ra, chúng ta đào tạo hàng trăm người nhưng may ra xuất hiện một hoặc hai nhân tài. Điều này cũng “chắt chiu” theo mùa vụ. Có năm bội thu nhưng có khi 10 năm không thấy xuất hiện, khó mà định đoán được. Cơ sở đào tạo nào cũng vậy chứ không chỉ riêng Huế. Giọng hát là trời cho và quan trọng nhất, còn đào tạo là để xử lý về mặt kỹ thuật thôi.

Dù đã phát hiện tố chất qua phần thi năng khiếu nhưng khi vào học, có người phát triển được nhưng có người thì không, phải chuyển ngành. Công tác đào tạo, phát hiện tài năng luôn là việc khó khăn ở tất cả các cơ sở đào tạo. Công tác đào tạo thanh nhạc ở học viện rất bài bản nhưng để đào tạo được một ngôi sao không hề đơn giản.

Trong điều kiện hiện nay, theo ông bên cạnh tài năng, một ca sĩ muốn thành công cần những điều kiện gì nữa?

Để trở thành ca sĩ ngôi sao là cả quá trình chông gai. Phải hội đủ 3 yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tùy vào nghị lực, tiềm lực, khả năng PR của mỗi người. Nếu có tài mà không có lực thì cũng khó khi ca sĩ phải thuê vũ công, phối âm, phối khí, quảng bá qua các phương tiện truyền thông đại chúng... Ca sĩ ở Huế đang thiệt thòi về lĩnh vực này. Cũng buồn là môi trường sinh hoạt âm nhạc của Huế không sôi động như hai đầu đất nước và cả những thành phố ở miền Trung. Huế là nơi đào tạo, sản sinh ra những tài năng nhưng để nuôi dưỡng, phát triển tài năng và để họ có thể kiếm sống bằng nghề thì không thể. Đó là một thực tế. Thế nên, nhiều ca sĩ phải ra đi.

Nhiều người cho rằng, chương trình đào tạo còn thiên về sách vở nhiều hơn cọ xát thực tế. Ông nghĩ sao về điều này?

Với điều kiện eo hẹp, kinh phí khó khăn nhưng Học viện Âm nhạc Huế luôn tạo điều kiện cho sinh viên được va chạm, học hỏi. Nhà trường thường xuyên tạo điều kiện cho sinh viên đi biểu diễn cọ xát, tham gia các cuộc thi, như: Sao Mai, The Voice, các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình... Các nghệ sĩ lớn của thế giới đến Huế, nhất là trong các kỳ festival đều được mời về học viện giao lưu. Từ đó, sinh viên cũng được mở mang nhiều. Cũng không thể khẳng định là bao nhiêu năm thì có hoặc ai sẽ trở thành ngôi sao nhưng hy vọng với những tài năng đang bồi dưỡng, sau này trưởng thành các em có đủ 3 yếu tố: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. 

Trang Hiền (thực hiện)