Thường xuyên thăm đồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa đông xuân
90% giống ngắn ngày
Với trên 90% cơ cấu giống ngắn ngày và cực ngắn ngày, khởi đầu vụ đông xuân 2021-2022 tuy không mấy thuận lợi nhưng cây lúa đã “vượt khó”, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Về các địa phương là “vựa lúa” của tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, những ngày này, nông dân tấp nập ra đồng chăm lúa. Sau một thời gian chịu rét và mưa, tận dụng thời tiết nắng ráo, nông dân ra đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa và chuẩn bị vật tư làm cỏ, bón phân.
Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTXNN Đông Vinh (Quảng Vinh, Quảng Điền) cho biết, vụ đông xuân năm nay, HTX đưa vào sản xuất hơn 300ha lúa, với cơ cấu giống ngắn và cực ngắn ngày như HT1, TH5, Khang Dân. Từ đầu vụ tuy có ảnh hưởng bởi thời tiết nhưng về cơ bản, cây lúa năm nay không bị nhiễm các loại bệnh như đạo ôn, giòi đục nõn, chuột phá hoại do trời không có mưa lớn gây ngập ruộng. Với cơ cấu giống ngắn ngày, giữ nước chân ruộng thấp nên cây lúa đến thời điểm hiện tại phát triển mạnh, ít sâu bệnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh - Sở NN&PTNT, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28 nghìn ha. Đến nay, gần 100% diện tích đã xuống giống, còn lại khoảng 8ha đang gieo sạ tại xã Vinh Hà (Phú Vang). Cơ cấu giống gồm nhóm dài ngày, trung ngày như các giống NN4B, 13/2, X21, Xi23,… chiếm 10%; nhóm ngắn ngày và cực ngắn như giống Khang Dân, ĐT100, HT1, TH5, HN6, DV108, BT7, IR352,... chiếm 90% tổng diện tích gieo cấy. Ngoài các giống đang sản xuất hiện nay, Chi cục TT&BVTV khuyến khích sản xuất thử giống có triển vọng HG12 và một số giống lúa đã được công nhận chính thức có tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm như DT39, J02, ST24.
Nông dân thăm đồng, tỉa dặm lúa đông xuân
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết, vừa qua, do đầu vụ có mưa lớn gây ngập úng cục bộ một số vùng thấp trũng. Các địa phương đã chủ động chuyển đổi giống dài ngày (NN4B) sang giống ngắn ngày và cực ngắn khoảng 365ha (trong đó Quảng Điền 345ha; TP. Huế 20ha). Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió tây trên cao nên những ngày cuối năm 2021 có mưa lớn trên diện rộng, nhiều diện tích lúa bị ngập úng và thiệt hại. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ kịp thời 120 tấn lúa giống để hỗ trợ cho bà con nông dân khôi phục sản xuất, giảm bớt khó khăn.
Tích cực phòng trừ các đối tượng gây hại
Theo đánh giá của Chi cục TT&BVTV, hiện trên địa bàn có 326ha lúa đông xuân nhiễm ốc bưu vàng, gây hại mật độ 1-3 con/m2, nơi cao 3-6 con/m2 tập trung ở Hương Trà, Quảng Điền, Phú Lộc. Các đối tượng sinh vật như dòi đục nõn, chuột, bệnh đạo ôn lá,... gây hại rải rác mật độ và tỷ lệ thấp ở một số địa phương Vinh Xuân, Phú Diên (Phú Vang); Hương Phong (TP. Huế).
Chi cục TT&BVTV yêu cầu các địa phương tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch đảm bảo khung lịch thời vụ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tu bổ, gia cố các tuyến đê bao ngăn mặn, đê đập nội đồng để bảo vệ diện tích lúa đã gieo. Kịp thời đấu úng thoát nước trong ruộng khi mưa to, nước sông lớn và triều cường.
Ông Lê Văn Anh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các địa phương, HTX cần chú trọng khuyến cáo nông dân tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối NPK theo đúng quy trình giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe ngay từ đầu vụ, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Thường xuyên kiểm tra phát hiện và hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời. Quan tâm đến các đối tượng bệnh đạo ôn lá trên các trà lúa gieo sạ sớm đối với các giống nhiễm như Nếp, Xi23, BT7,... nhất là ở những vùng đất cát, có tầng canh tác mỏng, bón phân không cân đối. Khuyến cáo nông dân không tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật với mục đích phòng khi chưa cần thiết.
Phòng chống bệnh khảm lá sắn
Để chuẩn bị nguồn giống bền vững cho niên vụ sắn, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đột xuất nhiệm vụ Khoa học công nghệ năm 2022; trong đó giao cho Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam chủ trì đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất và hàm lượng tinh bột cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Viện Di Truyền Nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị để tiến hành triển khai thực hiện đề tài. Trường đại học Nông Lâm Huế cũng đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình quản lý bệnh khảm lá sắn tổng hợp cho tỉnh Thừa Thiên Huế”. Hiện nay, bố trí thí nghiệm tại HTX Tây Xuân (diện tích 500m2) gồm 5 giống HN3, HN5, HSL1, KM505, KM94 (trong đó có giống HN3 và HN5 là giống kháng bệnh khảm lá sắn).
Bài, ảnh: Hà Nguyên