Bảo tồn, phục hồi vùng đất ngập nước để bảo vệ môi trường sống và phát triển bền vững
Môi trường sinh thái của Thừa Thiên Huế được đánh giá là hình mẫu của cả nước và trong khu vực, nhờ hội đủ địa hình núi, đồi, sông, suối, đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á và chiều dài bờ biển khoảng 128km. Ngoài ra, khu vực đô thị còn có nhiều không gian xanh công cộng với mật độ cây xanh cao, nhà vườn với lối kiến trúc đặc trưng…
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và thành quả đạt được vẫn còn một số tồn tại do những nguyên nhân: tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhu cầu sử dụng tài nguyên lớn, làm gia tăng nguy cơ tác động xấu đến môi trường; ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cơ chế chi phí lợi nhuận dẫn đến đầu tư cho bảo vệ môi trường (BVMT) của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhà nước còn hạn chế; ý thức về BVMT vẫn chưa trở thành thói quen của DN và xã hội. Các DN đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải đa phần chưa đảm bảo, còn mang tính đối phó. Ý thức thực thi pháp luật của các cấp quản lý chưa cao, công tác hướng dẫn triển khai chưa đồng bộ, dẫn đến bỏ qua hoặc không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT. Một số địa phương chưa nhận thức đúng mức, đầy đủ tầm quan trọng của công tác BVMT và phát triển bền vững. Việc hướng dẫn thực hiện và triển khai thực hiện các quy định về nguy cơ ô nhiễm môi trường, cam kết BVMT còn mang tính hình thức; các hoạt động sản xuất tiềm ẩn ô nhiễm xen lẫn trong các khu dân cư dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Việc sử dụng, xả thải, nhất là rác thải nhựa, ni lông khó phân hủy trong đời sống sinh hoạt còn tùy tiện, chưa tích cực chung tay giảm thiểu, nói không và ngăn ngừa với loại rác nguy hại này...
Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, việc duy trì, bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó có hệ sinh thái đất ngập nước để cân bằng tự nhiên, cân bằng môi trường sống là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất trong bối cảnh hiện nay. Cũng trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2022, Ban thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động với chủ đề "Vì Con người và Thiên nhiên: hãy Yêu quý, Bảo vệ và Phục hồi đất ngập nước". Chủ đề này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng cường nỗ lực và đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước. Đây còn là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.
Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2022 là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt, vì ngày 30/8/2021, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 2/2 hàng năm là Ngày Đất ngập nước thế giới và mời tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc tham gia tổ chức hưởng ứng vào ngày này, mở đầu cho tầm nhìn toàn cầu lớn hơn cho các vùng đất ngập nước.
Để thiết thực hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2022 và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng nói chung trên địa bàn tỉnh và sử dụng khôn khéo, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mà đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai một số hoạt động truyền thông, kêu gọi cộng đồng cùng cam kết bảo vệ, phục hồi, bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước; dừng các hoạt động gây suy thoái đất ngập nước và thúc đẩy phục hồi các vùng đất ngập nước bị suy thoái; quảng bá hình ảnh, vai trò của Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, Khu trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu (huyện Phong Điền), rừng nguyên sinh ngập mặn Rú Chá (TP. Huế), vùng rừng dừa nước Quảng Lợi (Quảng Điền), hệ thống các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh…
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN