PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế
PGS.TS. Trần Kiêm Hảo cho biết: Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 vào ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mùa xuân. Chiến dịch này được bắt đầu từ ngày 29/1 đến hết tháng 2/2022. Chiến dịch thần tốc tiêm chủng mùa xuân có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin càng cao, nguy cơ lây nhiễm, số ca mắc, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong ngày càng giảm. Mục tiêu tiêm vắc-xin được Chính phủ xác định rất rõ ràng: Hết tháng 1, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi; trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định. Cùng với đó, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trong năm 2021, Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Theo ông, chiến dịch tiêm chủng mùa xuân chú trọng nhóm đối tượng nào?
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến chiều 8-2, cả nước đã tiêm gần 183,2 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Nước ta đang hướng tới mục tiêu hoàn tất 2 mũi của liều cơ bản và mũi tiêm nhắc lại (mũi 3) cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên trong quý 1/2022. Hiện nay, dù tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Việt Nam đã đạt rất cao, nhưng nhóm nguy cơ chuyển nặng và chưa tiêm vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định. Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm này và các đối tượng chưa tiêm, nhằm nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng khi nhiều hoạt động xã hội mở cửa trở lại "thích ứng an toàn với dịch". Do đó chiến dịch tiêm chủng mùa xuân mà Thủ tướng chỉ đạo nhắm đến việc tiêm vét, tiêm cho người chưa tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được thực hiện xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Hệ thống y tế của tỉnh đã triển khai nội dung này như thế nào, thưa ông?
Theo phát động của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành y tế khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch này với tinh thần làm việc xuyên tết và thực hiện có hiệu quả ngay cả trong những ngày nghỉ tết. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngành y tế vẫn luôn bố trí lực lượng trực tại các trạm y tế và cơ sở y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân chăm sóc sức khỏe. Trong thời gian này, ngành tiêm được 8.223 mũi vắc-xin phòng COVID-19, bao gồm: các mũi cơ bản, mũi bổ sung và mũi nhắc lại. Trong đó, có 8.106 mũi được tiêm cho người trên 18 tuổi và 117 mũi được tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin tại nhà cho người dân
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, ở nhóm tuổi từ 18 trở lên đã đạt 100,76% mũi 1; hơn 97% mũi 2; 62,85% mũi bổ sung và 14,97% mũi nhắc lại. Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 100,23% mũi 1 và đạt gần 96% mũi 2. Như vậy, có thì ở độ tuổi này đã đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ. Một số trẻ trong độ tuổi này chưa được tiêm vì lý do bệnh tật, hệ thống y tế cơ sở vẫn tiếp tục theo dõi và tiêm ngay khi có thể để đạt tỷ lệ 100% đủ liều cơ bản.
Năng lực tiêm chủng của Thừa Thiên Huế để triển khai chiến dịch tiêm chủng này như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta có 141 trạm y tế phường, xã, thị trấn. Qua hệ thống này, chúng ta có thể triển khai việc tiêm chủng về tận cơ sở y tế gần nhất và tổ chức đến 300-400 bàn tiêm/ngày. Thừa Thiên Huế đạt được tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hoàn hảo như hôm nay là nhờ đội ngũ nhân viên y tế cơ sở không ngại khó khăn, vất vả, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm chủng vắc-xin, nhất là những người già yếu, có bệnh nền và khó khăn trong việc di chuyển. Với yêu cầu tiếp tục tăng cường, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin trên diện rộng, năng lực của đội ngũ nhân viên y tế toàn tỉnh vẫn đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với việc tiêm vắc-xin khi có nhu cầu, chúng ta đã thành lập điểm tiêm cố định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ở tuyến huyện, mỗi địa phương cũng thành lập ít nhất 2 điểm tiêm cố định. Trong đó, 1 điểm tiêm tại trung tâm y tế và ít nhất 1 điểm tiêm tại địa điểm thuận lợi, người dân dễ tiếp cận.
Việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Từ góc độ chuyên môn, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?
Cho đến nay, WHO đã chính thức phê duyệt khuyến cáo cho vắc-xin Pfizer tiêm cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ cũng thường xuyên tham khảo kinh nghiệm của các nước. Đến nay, đã có 37 quốc gia có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm cho nhóm tuổi 5 đến dưới 12, có quốc gia tiêm toàn bộ trẻ trong độ tuổi, có quốc gia tiêm cho nhóm trẻ nguy cơ cao. Ở nước ta, chương trình tiêm vắc-xin cho trẻ trong độ tuổi này hiện đang được triển khai và khuyến cáo với tất cả người dân, làm sao để đem lại mũi tiêm cho các cháu thực sự an toàn và hiệu quả, đạt được miễn dịch tốt nhất trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Số liệu thống kê thời gian qua của tỉnh cho thấy, có 1.600 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi nhiễm COVID-19 và 3.000 trường hợp trẻ trong độ tuổi từ 5-11 nhiễm COVID-19. Phần lớn mức độ nhiễm có triệu chứng nhẹ, không có trường hợp có triệu chứng nặng và vấn đề điều trị cho các cháu cũng dừng lại ở mức độ chăm sóc theo dõi và điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý việc mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước, đặt an toàn lên hàng đầu.
Xin cảm ơn ông!
ĐỒNG VĂN (Thực hiện)