Đoàn công tác thị sát tình hình biểm xâm thực tại Phú Thuận, Phú Vang 

Báo cáo với đoàn công tác, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phan Thanh Hùng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm kê nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy điện theo từng giai đoạn, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho hạ du các hồ chứa nước thủy điện trong mùa khô 2022, trong đó tập trung ưu tiên cấp nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện, các hồ chứa nước thủy lợi để vận hành phù hợp, chỉ đạo vận hành bổ sung nguồn nước theo nhu cầu bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.

Tỉnh triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP). Qua đó, hỗ trợ xây 581 nhà chống chịu bão, lụt với số tiền hơn 25,6 tỷ đồng. Năm 2022 tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng 150 nhà ở chống chịu bão lụt và trồng mới 40 ha rừng ngập mặn ven biển tại xã Hương Phong, TP. Huế với tổng kinh phí hơn 24,3 tỷ đồng.

Năm 2022, tỉnh cũng triển khai các dự án Xây dựng khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng do Quỹ Zurich tài trợ thông qua ISET; Dự án Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn…

Để tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên Huế có nguồn kinh phí thực hiện khắc phục thiệt hại của bão lũ, phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống dân cư, tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ NN & PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức Quốc tế đưa vào chương trình hỗ trợ cho tỉnh để khắc phục các công trình hạ tầng, dân sinh, nâng cấp các công trình giao thông liên huyện, liên xã, thủy lợi, đê điều, nước sạch nông thôn, sạt lở bờ sông, bờ biển khoảng 735 tỷ đồng.

Tại buổi kiểm tra, Bộ Trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Trong các năm qua, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tranh thủ mọi nguồn lực, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau cuộc khảo sát này, Bộ NN & PTNT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương lập các đề án về công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; đồng thời, xây dựng quy chế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai, quy chế vận hành hồ chứa, liên hồ chứa giữa thủy lợi và thủy điện, trách nhiệm các địa phương nhằm. Bộ sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Qua đó, tập trung chỉ đạo đối với những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, để có các giải pháp công trình và phi công trình cho các vùng đó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói chuyện với đội ngũ giảng viên Trường Đại học Nông lâm 

Trước dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, cần tập trung cao cho công tác phòng chống thiên tai, triển khai đồng bộ các giải pháp cho năm 2022, phấn đấu giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất. Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai; tiếp nhận thông tin, chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố, vụ việc cần cứu hộ, cứu nạn không để bị động, bất ngờ. Ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, trong đó cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố cho người dân.

Cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế. Tại đây, Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đạt được của Đại học Nông lâm. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo nhà trường có giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện với tư duy giáo dục mở, hướng tới hành động nhanh và kết quả thật, tạo thương hiệu của nhà trường. Đồng thời, áp dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, giáo dục, đào tạo những gì xã hội cần khi nền nông nghiệp ngày một thay đổi.

Tin, ảnh: Thái Bình