Cán bộ tín dụng luôn gần gũi với người dân

Thêm nguồn vốn phát triển kinh tế

Con đường núi gập ghềnh những “ổ khủng long”, đường lầy lội sau những ngày mưa. Ngồi sau xe máy của anh Tuấn, lái xe Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hương Trà, chỉ cần một cái nghiêng người, hai chúng tôi có thể lao ngay xuống vũng bùn nhão ngay bên cạnh. Dù anh Tuấn đã trấn an: “Em yên tâm, anh toàn chạy đường rừng, xấu hơn thế này nhiều”, nhưng không ít lần tim tôi "muốn rụng".

Ba chiếc xe máy cứ thế chạy lòng vòng hơn 20 phút (tính từ đường chính) rồi dừng chân tại một trang trại nhỏ ở lưng chừng đồi. Trước tầm mắt là một “miệt vườn” với đầy đủ loại trái cây từ mít, dâu xanh, ổi, cam, thanh trà… Đây là trang trại của một trong những hộ vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế rừng ở xã Bình Tiến (Hương Trà).

Ông Nguyễn Quốc Triều, thôn Đông Hòa, xã Bình Tiến chia sẻ, với diện tích 3ha nhưng hiện vườn cây ăn trái của gia đình vẫn chủ yếu tưới tiêu dùng sức người là chính. Chưa nói, đường sá không mấy thuận lợi cũng là trở ngại trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của trang trại này.

“Hiện vườn cây ăn trái mới chỉ trong giai đoạn thu trái bói (lứa đầu tiên) vì thế cần nguồn vốn khá lớn phục vụ chăm sóc, trong khi nguồn lực kinh tế hầu như “cạn kiệt” vì đầu tư quá nhiều, nhu cầu vốn hiện tại của gia đình khá lớn”, ông Triều chia sẻ.

Nguồn vốn tín dụng đến với gia đình ông Triều ngay sau buổi khảo sát của CBTD không lâu, giờ gia đình đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động giảm bớt áp lực cũng như công chăm sóc trong những tháng cao điểm nắng nóng.

Dưới trời mưa lâm râm, chúng tôi tiếp tục đến 2 hộ có nhu cầu vay vốn khác để khảo sát nhu cầu vay vốn, cũng như nắm tình hình của hộ để hỗ trợ tư vấn các chương trình vay vốn có thể tiếp cận được.

Cán bộ tín dụng như người thân

Những chuyến đi đến tận hộ vay khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ dân là chuyện “cơm bữa” của CBTD chính sách. Bởi trung bình một tháng, ngoài những ngày đi giao dịch tại điểm giao dịch xã, CBTD của NHCSXH còn dành khoảng 6-10 ngày xuống cơ sở kết hợp việc kiểm tra, giám sát vốn vay, tuyên truyền để bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới chia sẻ, trước đây đường sá ở A Lưới rất khó đi, nhất là vào mùa mưa bão. CBTD muốn đến điểm giao dịch xã hay đi khảo sát cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cực kỳ khó khăn.

Có những ngày đường đến điểm giao dịch xã bị sạt lở, CBTD phải đi từ rất sớm, người vác máy móc, thiết bị, người ôm thùng hồ sơ chứng từ, đồ đạc gồng gánh lội bộ đảm bảo đến kịp giờ giao dịch. Ðến điểm giao dịch đã khó, từ điểm giao dịch đến nhiều vùng bản càng khó hơn. Có những ngày, cán bộ đến đó tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc thu nợ phải lội bộ hàng giờ.

Khó khăn là vậy, song những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ sóng hết đến các thôn, bản, các xã vùng sâu vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hoạt động các điểm giao dịch xã, các tổ TK&VV.

Do địa hình phức tạp, trình độ dân trí chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo cao nên rất khó khăn trong tuyên truyền, vận động đồng bào. Vì thế, CBTD không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền chính sách mà còn là một cán bộ “dân vận khéo” tuyên truyền chuyển biến ý thức cho đồng bào trong phát triển kinh tế, truyền thông các mô hình kinh tế giúp bà con định hướng các mô hình phát triển. Cán bộ ngân hàng phải "bốn cùng" cùng ăn, cùng ở, cùng nghĩ và cùng làm với dân.

Nhiều CBTD trẻ sau vài năm bám trụ địa bàn cũng bập bõm nói được cả tiếng của đồng bào nên rất dễ hòa nhập. Và từ những xa lạ họ trở thành bạn rồi người thân với đồng bào bằng sự gần gũi, sẻ chia...

Bài, ảnh: Hoàng Anh