“Tiếc quá! Tết này mình chưa kịp ghé Huế để check-in với thành phố mai vàng”. Đó là thông điệp tôi nhận được từ một ngườiquen - cũng là du khách - khi chị và gia đình vừa có chuyến “phượt” từ Nam ra Bắc sau thời gian dài bị “cấm vận” bởi COVID-19.
Thật thú vị, bởi sự “thức thời” của bạn, khi chị dùng cụm từ ‘‘thành phố mai vàng” để nói về Huế. Sau những danh xưng như thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố xanh, thành phố ẩm thực, thành phố áo dài..., Huế lại manh nha một tên gọi, một chỉ dẫn địa lý, một thương hiệu gắn với từ khóa “hoàng mai - mai vàng”.
Trong câu chuyện trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 với chúng tôi về cây xanh cho thành phố Huế, ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh đã dành nhiều thời gian để nói về mai.
Bắt đầu là ý tưởng biến Huế thành thành phố mai vàng của một vị lãnh đạo thành phố từ những năm 2000. Từ đó, những cây hoàng mai của Huế được âm thầm trồng, chăm sóc, ươm tạo để hình thành nên vườn mai tuyệt đẹp cho Huế trước Đại Nội, tạo điểm nhấn đẹp cho Huế với hàng trăm gốc mai hàng chục năm tuổi trên dường Lê Duẩn hiện nay.
Mới đây nhất, một vườn hoàng mai nữa cũng đã thành hình ở khu vực Thành nội, trên đường 23 tháng 8. Những thảm mai vàng rự rỡ ấy vào dịp tết, trở thành điểm đến không thể thiếu của khách du xuân.
Cùng với phong trào “mai vàng trước ngõ”, cây hoàng mai-vốn là cây hoa truyền thống của người Huế - đã được trồng nhiều hơn tại các hộ gia đình. Những cây mai nở hoa rực rỡ trước sân nhà, sân đình, những ngôi cổ tự...đã làm nên không khí, dấu ấn tết riêng cho Huế.
Ngay sau tết, khi mai vàng vẫn đang bung cánh, một hội thảo về bảo tồn và phát triển mai vàng Huế đã được Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức. Không chỉ là chuyện trồng hoàng mai để làm đẹp, tại hội thảo, ý tưởng xây dựng mai Huế thành một thương hiệu, một sản phẩm có giá trị kinh tế từ nội hàm văn hóa đã được đề cập. Mục tiêu hướng đến là xây dựng Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, hiện nay, ở Thừa Thiên Huế có nhiều địa phương, như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc và ngoại ô thành phố, có nhiều làng trồng mai nổi tiếng, tạo nguồn thu nhập đáng kể. Chỉ riêng làng Thế Chí Tây (Điền Hòa, Phong Điền) hiện có khoảng 30% hộ dân chủ yếu sống bằng nghề trồng mai cảnh. Toàn xã có khoảng 5.000 cây mai vàng, giá trị từ 10 triệu đến vài trăm triệu đồng/cây.
Cũng tại hội thảo, một câu hỏi đặt ra là, liệu có thể biến hoàng mai thành một thương hiệu của Huế như xứ sở tulip của Hà Lan, xứ sở anh đào của Nhật Bản hay xứ sở hoa hồng của Bungaria?.
Và trong khi, nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị cây hoàng mai của Huế được đặt ra như quy trình bảo tồn nguồn gen, nhân giống, quy hoạch vườn, vùng trồng... thì dưới góc nhìn du lịch, các chuyên gia cho rằng, nếu được đầu tư xứng đáng và đúng hướng, mai vàng Huế hoàn hoàn có thể trở thành một thương hiệu nổi tiếng, một loại hàng hóa đặc biệt, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch mang bản sắc văn hóa Huế.
Còn nhớ cách đây vài năm, trò chuyện cùng chủ trà thất Di Nhiên ở Huế, giới thiệu đặc sản trà ướp hoa mai của mình, chị ao ước, làm sao có một vườn mai thật rộng, quảng bá để du khách đến ngắm mai, chụp ảnh với mai, thưởng trà mai và rồi xuất khẩu hình ảnh, sản phẩm mai tại chỗ bằng du lịch.
Đó chỉ là một trong những ý tưởng khai thác giá trị di sản hoàng mai của Huế, vốn đang có nhiều dư địa.
NHẬT NGUYÊN