Thăm hỏi F0 đang cách ly, điều trị tại nhà ở Phong Điền
Kiểm soát chặt chẽ
Molnupiravir là một thuốc kháng virus. Theo nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, trong điều trị COVID-19, thuốc Molnupiravir có khả quan về tính an toàn, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ sau 5 ngày điều trị. Tại Việt Nam, từ tháng 8/2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng. Tuy vậy, đến nay thuốc kháng virus Molnupiravir vẫn chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Hiện, chỉ được sử dụng hoàn toàn miễn phí và có kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.
Hiện nay, thuốc điều trị COVID-19 cho các F0 cách ly theo dõi tại nhà, hay tại các T tập trung gồm có 3 gói, A, B và C. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt, giảm đau, chống dị ứng, chống xuất tiết đàm, giảm ho, thuốc nâng cao thể trạng và cấp ngay cho F0 khi tiếp nhận thông tin. Gói thuốc B là gói thuốc có tính chất điều trị các triệu chứng bệnh gồm có thuốc kháng viêm và kháng đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt khi có chỉ định của bác sĩ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Gói thuốc C là thuốc đặc trị kháng virus dạng uống với liều dùng được kiểm soát chặt chẽ bởi nhân viên y tế. Thuốc viên Molnupiravir có tên trong gói thuốc C, không được kê đơn cho tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Thuốc được chỉ định dùng cho những người mắc COVID-19 nhẹ hoặc trung bình, những người có nhiều khả năng bị bệnh nặng - chủ yếu là những người từ 65 tuổi trở lên hoặc những người mắc bệnh mãn tính, như bệnh tim, bệnh phổi, tiểu đường, béo phì hoặc có tổn thương hệ miễn dịch… có nhiều khả năng mắc bệnh nặng phải nhập viện.
Bộ Y tế khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir không rõ nguồn gốc. Bộ Y tế cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm trái phép trước thực trạng kinh doanh, rao bán thuốc Molnupiravir trên mạng với giá cao. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, Sở Y tế vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động của các nhà thuốc trên địa bàn để kịp thời phát hiện các thông tin về việc mua bán thuốc Molnupiravir khi chưa được Bộ Y tế cấp phép.
Đảm bảo đủ thuốc Molnupiravir
Tính đến ngày 9/2, toàn tỉnh đang có 2.055 trường hợp F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và 7.423 trường hợp F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, ngành y tế đảm bảo đủ cơ số kháng vi rút dạng uống (bao gồm cả thuốc Molnupiravir) cho những trường hợp nhiễm COVID-19 có chỉ định sử dụng thuốc. Hiện tại Sở đã đưa thuốc đến tận các trung tâm y tế và các trạm y tế để khi có người cần sử dụng thì lập tức sử dụng sớm đúng chỉ định cho người bệnh COVID-19 theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Trước thông tin cho rằng, thuốc Molnupiravir đang được bán không phép trôi nổi có giá cao nên chỉ có những đối tượng được ưu tiên mới được sử dụng, còn đại đa số F0 khó tiếp cận. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo cho biết: “Ở đây, chúng ta không đặt nặng vấn đề về đắt hay rẻ mà chỉ đặt ra vấn đề là khi F0 có triệu chứng ở mức độ nào thì được chỉ định sử dụng để đạt mục đích cuối cùng là điều trị cho người bệnh sớm khỏi bệnh. Thuốc Molnupiravir đang trong chương trình cấp miễn phí của Bộ Y tế. Phía Sở Y tế cũng đã xin từ Trung ương đủ cơ số thuốc để đáp ứng nhu cầu hiện tại của tất cả các F0 có triệu chứng và có chỉ định sử dụng thuốc”.
Hiện nay, ngành y tế cũng đã ghi nhận có một số F0 không chủ động khai báo với y tế cơ sở để được theo dõi, quản lý mà tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tình trạng này không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người bệnh, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. “Ở bất cứ hoàn cảnh nào, khi người dân test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 thì trước tiên họ phải có trách nhiệm báo ngay cho ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, trạm y tế hay tổ y tế lưu động để các tổ chức này quản lý nguồn lây. Đồng thời, các tổ chức này cũng phải đảm bảo việc thăm khám, nắm bắt thông tin để hỗ trợ y tế cho người dân kịp thời khi họ có triệu chứng. Với việc người dân không khai báo và tự mua thuốc điều trị khi trở thành F0, với vai trò của ngành y tế chúng tôi không hề khuyến cáo và người dân phải có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng trong vấn đề cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN