Dự án HanHomes Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN
Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Xây dựng chú trọng và đang thực hiện. Theo Nghị quyết Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng của cả 2 luật này theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10/2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thời gian tới, Bộ Xây dựng xác định tập trung cho việc hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014; trong đó, đã kiến nghị sửa đổi chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Như vậy, các vướng mắc sẽ được tháo gỡ theo hướng như: điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi thực chất. Việc bổ sung quy định về tài chính phát triển nhà ở xã hội cũng theo hướng quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các vị trí không phù hợp để đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội; bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức lựa chọn đơn vị đủ năng lực để thực hiện.
Đáng chú ý, sẽ tách nhóm đối tượng người lao động, công nhân khu công nghiệp để có chính sách riêng và bổ sung các quy định về quỹ đất để phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong phạm vi quy hoạch khu công nghiệp cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong việc đầu tư nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp đó thuê. Cùng đó là cải cách, rút gọn thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cũng như trong quy trình mua – bán, xác nhận đối tượng thụ hưởng...
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng sẽ chủ động tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc áp dụng pháp luật về phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương. Trọng tâm là kiểm tra, đốn đốc các địa phương xây dựng Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, quyết liệt triển khai gói hỗ trợ tín dụng về nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua.
Bộ Xây dựng và Thanh tra chuyên ngành xây dựng tại các Sở xây dựng địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Về đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Nghị quyết Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.
Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các chính sách cụ thể theo hướng: rà soát các vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để hoàn thiện các chính sách về nhà ở, nhất là về quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển nhà ở bảo đảm tính dự báo quá trình phát triển.
Cùng đó là việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực các bộ đáp ứng việc phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính; hoàn thiện các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư các nguồn lực cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, để bảo đảm chính sách an sinh xã hội về nhà ở.
Cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đẩy mạnh truyền thông chính sách trong quá trình soạn thảo luật, nhằm bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, tạo sự đồng thuận cao - Chính phủ yêu cầu.
Với đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ cũng đã thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản theo cơ chế thị trường; hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.
Theo đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện theo hướng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của từng nhóm chính sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, tránh phát sinh thủ tục, chi phí cho giao dịch bất động sản; trong đó lưu ý đánh giá kỳ về các điều kiện kinh doanh, giao dịch qua sàn, môi giới bất động sản, tín dụng, thuế, phí,.. để điều tiết thị trường, tránh tạo thêm thủ tục, trung gian, ảnh hưởng tới quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, quyền sở hữu của người dân đã được pháp luật bảo hộ, tạo lập khung khổ pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phải tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong quá trình soạn thảo luật bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, tạo sự đồng thuận cao, làm tốt công tác truyền thông trước, trong và sau khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Tin tức TTXVN