Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Nghị quyết nêu rõ đối tượng hỗ trợ của chương trình bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Trong Nghị quyết, Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó triển khai miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Nghị quyết 11 là chương trình quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ về phục hồi KT- XH do tác động của đại dịch COVID-19. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp đồng bộ, triển khai huy động và bố trí nguồn lực cho phù hợp, hài hòa.
“Trong quá trình tổ chức triển khai cần phải làm nhanh, cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng để thực hiện hiệu quả. Tinh thần là chương trình quan trọng này phải được triển khai nhanh, kịp thời, khả thi, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, để nghị quyết đi vào cuộc sống” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Thái Bình