Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (thứ 2, trái sang) chủ trì buổi làm việc 

Với xu thế du lịch gắn với trải nghiệm đời sống, sinh hoạt văn hóa, tập tục với người dân, nhất là cộng đồng vùng nông thôn, thời gian qua, TX. Hương Thủy đã ra mắt một số mô hình, như: homestay, trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn, bơi thuyền trên sông Như Ý, tham quan các vườn thanh trà, trải nghiệm chằm nón, bài chòi, làm bánh, chẻ tăm hương, đan lát, làm chổi bằng cây lồ ô…

Trên thực tế, các hoạt động trải nghiệm này còn sơ sài, chưa tạo được dấu ấn riêng nên ít giữ được chân du khách cũng như chưa tạo được nguồn thu từ các dịch vụ như mua sắm, ẩm thực, nghỉ ngơi...

Để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo hình ảnh điểm đến và thương hiệu mang đặc trưng riêng, hiện Hương Thủy đang khẩn trương chỉnh trang khuôn viên khu vực cầu ngói Thanh Toàn, hệ thống các di tích trên địa bàn xã Dương Hòa; mở rộng, nâng cấp đường vào rừng nguyên sinh (xã Thủy Phù); hoàn thiện chương trình, tour tham quan, trải nghiệm giữa điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn với du lịch cộng đồng thôn Buồng Tằm kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái thác Đá Dăm (xã Dương Hòa) và một số điểm khác trên địa bàn thị xã.

Bên cạnh đó, Hương Thủy cũng lên phương án thành lập mô hình quản lý như Hợp tác xã du lịch, Ban quản lý du lịch Thanh Toàn; hoàn chỉnh các mô hình trải nghiệm, như: vườn trải nghiệm chân quê, vườn Văn Thánh, Vân Thê Garden & Homestay, vườn hoa Lạc Dương, cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm; xây dựng kế hoạch tổ chức thường xuyên hoạt động chợ quê; hình thành tuyến đường đi bộ, đường hoa, một số điểm check in khu vực quanh cầu ngói Thanh Toàn…. Đ, đồng thời, phấn đấu từ nay đến năm 2025, có thêm 1-2 nơi được công nhận điểm du lịch đó là: điểm du lịch cộng đồng thôn Buồng Tằm và điểm du lịch sinh thái thác Chín Chàng.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh – Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, để đạt được mục tiêu đề ra, Hương Thủy cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong việc đầu tư chỉnh trang, mở rộng các tuyến đường kết nối đến xã Dương Hòa; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong triển khai các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch cộng đồng; tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng...

Vân Thê Garden & Homestay - một trong những mô hình trải nghiệm trên địa bàn xã Thủy Thanh

Sau khi nghe những ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Hương Thủy là đô thị vệ tinh, gần trung tâm TP. Huế, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch địa phương cũng như phù hợp trong phát triển du lịch chung của tỉnh. Vậy nên, Hương Thủy cần tích cực tái phục hồi các hoạt động du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng bởi COVID-19.

Theo đó, Hương Thủy cần rà soát, quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn, đồng thời, chú ý đến kêu gọi nhà đầu tư hạt nhân và quy hoạch những khu vực cho người dân làm du lịch thông qua việc nhận diện, xác định khu vực; xây dựng một số sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái nhà vườn kết hợp với du lịch suối thác..., tất cả trên tinh thần người dân phải được hưởng lợi.

Riêng về điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn, đây là loại hình bán đô thị nên cần có cách khai thác phù hợp. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, do quá gần thành phố nên Hương Thủy cần nghiên cứu để có những mô hình homestay khác lạ, độc đáo hơn. Ngoài ra, sau khi đầu tư, chỉnh trang, đa dạng thêm một số sản phẩm, dịch vụ… thì có thể “khoanh vùng” những khu vực, những hoạt động nào không thu phí, có thu phí; tạo lập chợ du lịch bày bán nông sản và một số sản phẩm OCOP; đăng ký, đưa “Chợ quê ngày hội” vào chương trình chính thức của Festival Huế; xây dựng tuyến đường hoàng mai để tạo thêm điểm nhấn cho khu vực này...

Tin, ảnh: Hàn Đăng