Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi mới trúng đấu giá ở địa điểm trên đã tạo ra hai luồng dư luận trái chiều. Có người bảo rằng đó là cái giá bất thường. Nhiều người khác thì cho rằng đó là chuyện bình thường. Người đấu giá muốn sở hữu cho bằng được một miếng đất (mà mục đích chỉ có chính họ mới biết được) thì họ bỏ giá cao là chuyện không có gì đáng bàn, miễm là Nhà nước thu được tiền.

Còn bây giờ, mọi chuyện có vẻ đã rõ ràng hơn. Chuyện rõ ràng nhất là một đơn vị bỏ cọc, chấm dứt hợp đồng. Một số đơn vị khác đã đến thời hạn nộp tiền đất nhưng vẫn chưa nộp và chưa biết họ có ý định nộp hay không hay là tiếp nối đơn vị đi đầu bỏ cọc? Đến đây thì nhiều người cảm thấy lạ lùng và đặt ra nhiều câu hỏi. Trong làm ăn kinh tế, với số vốn bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng, không dễ gì một người nào đó không tính toán kỹ lưỡng. Đằng này họ sẵn sàng bỏ cọc, mà số tiền không ít, lên đến hàng trăm tỷ đồng với những tuyên bố lý do “nhẹ như lông hồng” -  do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khó khăn về tài chính!

Bản chất vấn đề như thế nào chúng ta chưa thể biết được một cách chắc chắn, nhưng những ảnh hưởng của việc đấu giá đất với giá rất cao rồi bỏ cọc để lại những hậu quả không hề nhỏ.

Sau khi những miếng đất ở Thủ Thiêm được đấu giá với giá đất trúng ở mức cao đã có tác động ngay đến thị trường bất động sản, ít nhất là ở những vùng lân cận. Các thông tin báo chí lập tức phản ánh “hiệu ứng dây chuyền” về việc tăng giá đất. Đất đai cũng là một loại hàng hóa, tăng hay giảm cũng là chuyện bình thường. Nó bất thường chính là ở chỗ giá cả ấy nó không phản ánh đúng giá trị thực. Nếu nó có sức ảnh hưởng đến toàn thị trường thì đó cũng là một điều tai hại. Mức độ giao dịch của thị trường bất động sản có thể chững lại để điều chỉnh. Sự chững lại nếu kéo dài sẽ để lại những hệ lụy không tốt vì thị trường bất động sản nó có ảnh hưởng đến nhiều thị trường khác. Một tác động nữa là nó có thể làm mất cơ hội về nhà ở, đất ở cho nhiều người, đặc biệt là những người thu nhập thấp. Việc phát triển nhà ở xã hội cũng sẽ khó khăn hơn khi mặt bằng nhà ở tăng cao…

Ở Thừa Thiên Huế mấy năm vừa rồi, giá đất cũng tăng vùn vụt. Đất ở thành phố Huế tăng cao thì ai cũng biết. Đất ở các huyện, ở vùng nông thôn cũng tăng cao làm cho nhiều người không thể hiểu được. Với giá đất cao như vậy, nó khó có thể tham gia vào sản xuất như là một yếu tố đầu vào mà đồng tiền chỉ “chạy loanh quanh” ở khu vực tài chính, tức là không tham gia vào nền sản xuất thật để tạo ra sản phẩm hàng hóa, tức là không tạo ra nhiều công ăn việc làm. Năm 2021, “hầu bao” ngân sách của tỉnh chỉ riêng nguồn thu từ đất đã vào khoảng 3.000 tỷ đồng. Tất nhiên thu được nhiều tiền là vui. Có tiền để chi tiêu vào nhiều việc khác – phát triển hạ tầng, đầu tư các dự án…Nhưng ở mặt thứ hai cũng làm cho việc sở hữu một căn hộ, một miếng đất đối với nhiều người càng trở nên xa vời.

Trở lại vấn đề đấu giá đất Thủ Thiêm, những câu hỏi nữa, thiết nghĩ cũng cần được trả lời và mổ xẻ - đấu giá đất cao tác động như thế nào đến thị trường bất động sản, thậm chí là thị trường chứng khoán? Nếu xem đất là một yếu tố đầu vào của sản xuất thì giá đất cao quả là tạo ra nhiều bất lợi chẳng những với thị trường địa ốc mà còn nhiều thị trường khác...

NGUYÊN LÊ