Tuyển không ra lao động

Lượng khách tăng đột biến là tín hiệu tích cực cho thấy du lịch đã dần trở lại “đường đua” của mình. Dù thế, nhiều khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch “trở tay” không kịp là thực tế đã xảy ra đối với ngành du lịch Huế trong dịp tết vừa qua.

Trên các diễn đàn tìm kiếm việc làm du lịch, số lượng các khách sạn, nhà hàng đăng thông báo tuyển dụng tăng đột biến từ đầu tháng 2 đến nay. Dù tích cực tuyển dụng bổ sung “khẩn cấp”, nhưng các khách sạn không thể tìm được lao động. Qua tìm hiểu, các vị trí việc làm được tuyển dụng nhiều nhất là buồng, lễ tân và bảo trì.

Như tại Khu nghỉ dưỡng Kawara My An onsen resort cần đến 5 nhân viên buồng phòng; Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương, Khách Sạn Sunriver Boutique Hotel Huế, Khách sạn Nice Hue Hotel, Khách sạn Alba…. thông báo cần tuyển gấp từ 2 – 4 nhân viên buồng phòng.

Theo bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Huế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, tình hình chung của hầu hết các khách sạn thời gian qua là có công suất sử dụng phòng cao. Bên cạnh niềm vui vì khách đông, thì lượng khách tăng đột biến ngoài mức dự báo nên thiếu nhân viên, thiếu nguyên vật liệu, cơ sở vật chất chưa chuẩn bị chu đáo. Nhiều khách sạn thiếu đến 50% lao động, nhất là các khách sạn thấp sao còn thiếu nhiều hơn, vì trước đó hầu hết lao động đã nghỉ việc. Riêng tại Khách sạn Mường Thanh, dù trước đó nhân viên được giữ lại gần như toàn bộ nhưng cũng thiếu hụt khoảng 20%.

Khách du lịch tăng cao khiến các cơ sở kinh doanh du lịch thiếu lao động phục vụ

Trong khi đó, bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Khách sạn Alba cho biết, dù biết tuyển gấp sẽ thật khó để đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng không có người làm buộc phải tuyển. Ở Alba, việc tuyển lao động ở các vị trí như nhà hàng, lễ tân khó vì đòi hỏi một số kinh nghiệm nhất định, nên khách sạn tuyển tạm thời các vị trí buồng phòng, còn các lao động trước đó ở vị trí này được chuyển lên phục vụ các vị trí trực tiếp với khách. Việc vận dụng giải pháp này cho thấy những hiệu quả nhất định, nhưng cũng mang tính tạm thời.

Theo Hội Lưu trú tỉnh, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động lớn như thế. Dự báo lượng khách đến Huế trong dịp tết thấp hơn so với thực tế, khi khách cùng lúc đến đã tạo ra sự bất ngờ, dẫn đến sự chuẩn bị chưa tốt để phục vụ khách, không có kế hoạch tuyển dụng sớm; ngược lại nhu cầu đi du lịch tự túc, khách không đặt trước mà khi đến Huế rồi mới đặt dịch vụ, nên hầu hết khách sạn chỉ chuẩn bị lượng lao động phù hợp với số lượng khách đặt trước đó. Một yếu tố nữa là lao động trước đây phần lớn đã chuyển nghề và khi du lịch chưa thể có sự chắc chắn về nguồn khách ổn định nên lao động chưa quyết định trở lại với nghề du lịch.

Cần có giải pháp kịp thời

Tính đến đầu năm 2022, ở Thừa Thiên Huế có hàng chục ngàn người lao động gián tiếp liên quan đến du lịch, đã và đang bị thất nghiệp hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp; đặc biệt là có khoảng 5.000 lao động trực tiếp, chiếm gần 40% tổng số lao động trực tiếp của ngành tính vào thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện. Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, để bù đắp lại lượng lao động như trên là việc không dễ và tức thời được, khi phần lớn lao động đã chuyển nghề hiệu quả. Việc chuyển nghề lại rơi vào những lao động có chuyên môn, cán bộ quản lý và người có kinh nghiệm. Qua tìm hiểu, đây là tình hình chung của cả nước chứ không riêng du lịch Huế.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đây là vấn đề đã được dự báo từ trước đó, nhưng quả là khó có lời giải ngay, bởi phải cần thời gian để phục hồi nguồn lao động. Việc thiếu lao động có thể dẫn đến nguy cơ khác là giảm chất lượng dịch vụ trong giai đoạn thích ứng toàn diện sắp đến. Điều này sẽ tác động ngược trở lại cho sự phục hồi của ngành du lịch.

Theo nhiều doanh nghiệp, do việc thiếu lao động như nhau nên hiện nhiều điểm đến trong khu vực đều tăng cường tuyển dụng. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng có nhiều chính sách đãi ngộ cao tạo ra sự cạnh tranh lớn về thu hút lao động trong thời gian đến. Với những khách sạn nhỏ, có mức đãi ngộ vừa phải sẽ càng khó thu hút lao động.

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy cho hay, đối với doanh nghiệp, đã và đang tiến hành 2 giải pháp để phục hồi lại nguồn lao động là tuyển thời vụ những lao động chưa có nghiệp vụ để vào làm tạm, lấy người có kinh nghiệm kèm, hướng dẫn dần; phương án hai là nhân viên hiện tại cố gắng ôm thêm việc, đồng thời đào tạo chéo cho các bộ phận hỗ trợ trong doanh nghiệp để san sẻ công việc cho nhau. Tuy nhiên, cả 2 phương án đều là giải pháp tình thế, ngắn hạn, không thể đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Ông Trần Hữu Thùy Giang nhấn mạnh, bên cạnh những giải pháp lâu dài như xây dựng kế hoạch phục hồi lao động tổng thể, trước mắt ngành du lịch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhanh nguồn lao đông mới, để bổ sung tạm thời nguồn lao động đang thiếu hụt. Đồng thời, khuyến khích, động viên doanh nghiệp chủ động, cố gắng tạo ra được môi trường làm việc thân thiện, có những hỗ trợ để thu hút lao động.

Với những giải pháp mang tính tạm thời, xem ra, việc phục hồi ngành du lịch còn đó nhiều thách thức.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG