Tăng tốc luyện thi

Vừa lo, vừa cố gắng

Nguyễn Ngọc Quỳnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Em sẽ đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội nên khá lo lắng khi thời gian học trực tiếp ở trường không nhiều do dịch bệnh. Lâu nay, giáo viên luyện thi chủ yếu luyện các dạng bài theo cấu trúc đề của các kỳ thi tốt nghiệp để học sinh có kỹ năng làm bài. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ chỉ tuyển sinh khoảng 10 - 15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Thế nên, em sẽ phải cấp tốc học làm sao để phù hợp với phương án tuyển sinh của trường mà mình đăng ký hoặc buộc phải hạ mục tiêu.

Em Nguyễn Thanh Hằng, học sinh lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng chia sẻ, các trường đại học đồng loạt thay đổi phương thức xét tuyển đại học làm mọi kế hoạch của em bị đảo lộn. Kèm với đó là sự hoảng sợ khi các trường top đầu giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nữ sinh này chia sẻ, dù có nguyện vọng theo khối D nhưng tiếng Anh không phải thế mạnh của em, nên việc sở hữu tấm bằng IELTS là điều em không tính đến. Thay vào đó, em cố gắng tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ôn luyện bài thi đánh giá năng lực, lựa chọn thêm các trường top dưới để tìm kiếm cơ hội trúng tuyển vào đại học.

Nổi bật là việc mở rộng phương thức tuyển sinh, đặc biệt là tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá tư duy, năng lực của học sinh. Hiện, có đến hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay, trong đó không ít trường đồng thời áp dụng đến 7 phương thức bằng xét tuyển và tổ chức thi tuyển.

Đáng chú ý là việc sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 7 - 8 đợt trong năm cho thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng. Đại diện nhiều trường tham gia đều cho biết, sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh trong nhiều phương thức xét tuyển. Dấu ấn nổi bật tiếp theo là các trường tốp đầu có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021. Giảm sâu nhất là Trường đại học Bách khoa Hà Nội khi chỉ dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các trường tăng tốc luyện thi

Thay đổi từ phía nhà trường trước

Với việc đổi mới trong tuyển sinh của các trường đại học năm nay, cùng với học sinh, phía nhà trường cũng buộc phải thay đổi để thích ứng. Ông Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho biết, nhà trường vừa dạy kiến thức chương trình lớp 12 vừa ôn tập cuốn chiếu để học sinh có nền tảng cơ bản, chắc chắn chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Bộ GD&ĐT đã công bố sẽ giữ nguyên phương thức kỳ thi “2 trong 1”, do đó, học sinh yên tâm ôn luyện.

Theo thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông, những năm qua, các trường đại học đã tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực; một số trường khác cũng xét tuyển học bạ… nên nhiều trường cũng phải xây dựng phương án dạy học phù hợp. Trường yêu cầu giáo viên vừa dạy vừa kiểm tra, đảm bảo học sinh có kiến thức nền tảng chắc chắn nhất để “có bột gột mới nên hồ”, sẵn sàng cho các kỳ thi. Ông Hưng cũng cho hay, nhà trường phân loại nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Trong quá trình ôn tập, giáo viên giúp học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, tập trung vào chương trình lớp 12.

Trường THPT An Lương Đông có gần 500 học sinh lớp 12. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã chỉ đạo các thầy giáo, cô giáo xây dựng đề cương dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 12 theo quy định. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phối hợp yêu cầu mỗi học sinh một tuần phải làm một đề môn thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống học tập trực tuyến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường vẫn tiếp tục ôn tập tại trường cho nhiều học sinh có học lực yếu.

Chương trình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tương tự như các năm trước, chủ yếu nằm ở sách giáo khoa lớp 12. Đề thi sẽ tăng dần độ khó, từ mức đủ để cho học sinh trung bình có thể đạt mục tiêu đậu tốt nghiệp THPT đến mức khó hơn đối với những học sinh khá, giỏi có thể đạt điểm cao để xét vào các trường đại học. Trường đang tập trung khá tốt cho học sinh khối 12 ôn tập, bám sát chương trình giảm tải theo định hướng của Bộ GD&ĐT.

Ðáng chú ý trong ôn tập, các trường ở Thừa Thiên Huế đang khuyến khích, vận động học sinh khá, giỏi giúp đỡ học sinh có học lực yếu. Việc hệ thống hóa kiến thức theo từng chương, từng phần rồi đến hệ thống kiến thức môn học, luyện tập các kỹ năng. Ðiều quan trọng nhất, trong ôn tập cho học sinh lớp 12 hiện nay dù đến trường hay trực tuyến là giúp các em tự học dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của thầy giáo, cô giáo thì mới hiệu quả.

Bài, ảnh: Huế Thu