"Cò" đất không dễ thao túng thị trường khi sản phẩm BĐS phong phú và được công khai minh bạch

Sôi động và khả quan

Giá cả BĐS gần đây trên địa bàn tỉnh có sự tăng đột biến ở một số khu vực không thể đổ lỗi cho “cò” đất, cho giới đầu cơ lợi dụng thổi giá mà nguyên nhân khác còn do nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu, nhất là phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội; ngoài ra còn do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tình hình dịch bệnh trong 2 năm qua đã ảnh hưởng đến thị trường BĐS trên địa bàn với số lượng giao dịch giảm và chậm hơn so với những năm trước. Song nhìn tổng thể, kênh BĐS vẫn đang là kênh đầu tư tốt, với mức giá hiện tại phù hợp cho các nhà đầu tư.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều dự án (DA) được nhà đầu tư thực hiện tốt, phát triển hạ tầng đồng bộ. Công tác xúc tiến đầu tư trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực và uy tín đến nghiên cứu các DA đã phần nào dấy lên nhu cầu đầu tư định hướng của người dân. Hầu hết các khu đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương đều thành công và giá tăng từ 1,5- 2 lần so với giá khởi điểm. Một số địa phương có kết quả đấu giá tăng lên gấp 4-5 lần giá khởi điểm là do giá khởi điểm được ban hành quá thấp. Ngoài ra, giá đất tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh được rao bán, giao dịch ngoài thị trường đều tăng, có những nơi tăng từ 30-40% chỉ trong thời gian ngắn.

Theo dự báo của ngành xây dựng, trong tương lai gần, tình hình thị trường sau đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế ổn định và phục hồi, đồng thời các DA bị chậm tiến độ, DA treo bắt đầu hoạt động trở lại, giá đất nền trên địa bàn sẽ tăng thêm khoảng 20-30% đến năm 2024. Dù vậy, thị trường BĐS Thừa Thiên Huế rất khó gây sốt vì tính cách người Huế không ưa mạo hiểm. Ngược lại, các nhà đầu tư lớn có tầm nhìn dài hạn sẽ cho đây là cơ hội tốt để đầu tư thu mua và phát triển quỹ đất sở hữu.

Những công cụ quản lý, kiểm soát thị trường

Bên cạnh mặt tích cực khi thị trường BĐS tăng giá thì những bất cập, hệ luỵ đem lại đó là sẽ làm giảm nguồn lực đầu tư vào các ngành khác, làm mất cân đối và tăng các chi phí khác, nhất là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng việc kêu gọi đầu tư; phá vỡ quy hoạch, để đất đai hoang hóa, ảnh hưởng tốc độ phát triển đô thị...

Trước dự báo thị trường BĐS sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ các thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS trên địa bàn tỉnh, thực hiện công khai, minh bạch đối với công tác quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, phân lô, đấu giá quyền sử dụng đất, công tác tránh thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS... Ngoài ra, một số văn bản liên quan được ban hành để quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, như Chỉ thị 15 ngày 8/4/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý giá đất và thị trường BĐS trên địa bàn; giao các đơn vị chuyên môn xây dựng đề án về bình ổn và phát triển thị trường BĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; giao Sở Tư pháp xây dựng quy trình xử lý để tránh thất thu thuế khi thực hiện chuyển nhượng BĐS. Quyết định 49 ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh quy định về tách thửa đối với đất ở và đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động của giới đầu cơ, những người môi giới BĐS.

Đáng quan tâm là quy định về nâng hạn mức diện tích tối thiểu của thửa đất ở sau khi tách thửa lên 100m2 (đối với các thị trấn thuộc huyện, phường thuộc thị xã và các xã đồng bằng) và 150m2 (đối với các xã trung du, miền núi) cũng là cách ngăn ngừa tình trạng ồ ạt tách thửa, phân lô bán đất nền gây manh mún, nhiễu loạn thị trường BĐS, ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, quy hoạch xây dựng.

Một trong những nội dung tại Nghị định 16/2022 của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng” chính thức có hiệu lực từ ngày 28/1, thay thế Nghị định 139/2017 và Nghị định 21/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 cũng quy định “Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS”, phạt từ 40- 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định. Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS mà mình môi giới bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 16.

Để quản lý hoạt động môi giới BĐS, Sở Xây dựng đã ủy quyền cho Hiệp hội BĐS Thừa Thiên Huế tổ chức các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS trên địa bàn tỉnh và Sở này cũng đã cấp 140 chứng chỉ hành nghề. Đến nay, hoạt động hành nghề môi giới BĐS đã đi vào nề nếp, tuân thủ quy định pháp luật Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở...

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, các thông tin, thủ tục về dịch vụ công liên quan đến việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu, chuyển quyền sở hữu, mua bán BĐS, giao đất, cho thuê đất... đều được công khai trên môi trường mạng. Hơn nữa, mọi thủ tục về đất đai đều được triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4. Nên, mọi người dân và doanh nghiệp có thể làm việc với các cơ quan hành chính Nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Người dân chỉ cần đến duy nhất 1 lần để nhận kết quả và thanh toán lệ phí tại cơ quan cung cấp dịch vụ. Đây là cơ sở, công cụ để  minh bạch hóa, tránh tình trạng người dân bị mắc lừa, “sập bẫy” khi “cò” đất tung tin đồn thổi nhằm thu lợi bất chính.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG