Mang tiếng làm du lịch nhưng Pi Lục Nhắc lâu nay cũng chỉ mới quanh quẩn ở vùng núi đồi A Lưới này. Bây giờ đi trong đoàn toàn là lãnh đạo của tỉnh, huyện và các danh nhân làm du lịch. Tính Pi Lục Nhắc rụt rè, không hoạt động và hòa đồng được như Phó Chủ tịch Viên Xuân Danh, đi đâu cũng sôi nổi, chuyện trò vui vẻ, cứ như là bạn bè lâu ngày gặp lại. Lại nhớ tới lời dặn của anh Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới: “Sắp xếp công việc để tham gia. Phải chú ý quan sát, tìm hiểu, xem người ta làm có cái chi hay, cái chi lạ để về mà làm cho tốt”.
Biểu diễn dân ca, dân vũ
Pi Lục Nhắc cùng bà con dân tộc ít người ở xã A Roàng bắt đầu làm quen với nghề làm du lịch này cách nay không lâu. Từ năm 2009 - 2013, dự án Phát triển du lịch Mê Kông mở rộng được triển khai tại huyện vùng cao này. Thôn A Ka - Achi của Pi Lục Nhắc cùng với thôn A Hưa (xã Nhâm) được chọn để hình thành để xây dựng làng du lịch cộng đồng. Riêng cơ sở hạ tầng nhà nghỉ cộng đồng dành cho khách du lịch đã được đầu tư nguồn kinh phí lên tới 3 tỷ đồng. Đón khách, lo cho khách ăn nghỉ, làm cho khách vui vẻ với những trải nghiệm lạ và thú vị để họ một lần đến là nhớ mãi là điều mà Pi Lục Nhắc cùng những thành viên trong ban quan lý thường xuyên được nhắc nhở. Đêm nào có đoàn khách tới là cả làng như mở hội.
Buổi tối làng du lịch cộng đồng Aka - Achi tiếp đoàn Farmtrip vào đầu năm 2015 chuẩn bị cho hội thảo đối ngoại hợp tác phát triển lịch dọc đường mòn Hồ Chí Minh ở huyện Đông Giang là một kỷ niệm đáng nhớ. Trước đó khá lâu, từ huyện, anh Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin đã thường xuyên điện về. Anh Ngoan bảo: “Đây là đoàn khách đặc biệt đó nghe, cố gắng mà đón tiếp cho tốt”. Rồi anh dặn, nhắc nhở hết chuyện này qua chuyện nọ. Cũng may mấy ngày liền trời liên tục mưa tầm tã nhưng đến đến hôm đó thì hửng nắng. Vậy là các hoạt động theo kế hoạch diễn ra suôn sẻ và vui vẻ, với màn đón tiếp bằng âm thanh cồng, chiêng và điệu múa Ri răm rất ấn tượng. Khách tới sau màn chào hỏi và xử lý hành lý tư trang là vội vàng tham gia ngay các tour du lịch định sẵn, nào đạp xe tham quan bản làng, nào ghé thăm để tận mắt chứng kiến tài nghệ của những cô gái Tà Ôi bên khung dệt thổ cẩm, hay đắm mình vào dòng suối khoáng hiếm nơi có được ở A Roàng. Bữa ăn tối với những món đặc sản miền núi lạ miệng vậy, nhìn thấy ai cũng ăn ngon lành. Rồi buổi tối, chương trình lửa trại, bà con cả thôn cùng kéo tới, khách lạ cùng nhảy tung tung za zá vui ơi là vui.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch hôm nay của Pi Lục Nhắc và các đồng nghiệp là huyện miền núi Tây Giang và Đông Giang. Cũng như A Lưới, hai huyện miền núi này của tỉnh Quảng Nam cùng nằm trên tuyến đường dọc đường mòn Hồ Chí Minh cũng có những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử cách mạng và nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Mỗi nơi một vẻ. Thì ra, cũng tiềm năng du lịch như nhau nhưng cách tiếp cận lại khác nhau. Pi Lục Nhắc và các đồng nghiệp cố gắng quan sát và theo dõi, quyết không bỏ sót, đặc biệt là những cái hay của người mà A Lưới chưa làm được. Nhớ buổi trưa tại Tây Giang. Cơm nước xong, Hồ Văn Ngoan kéo Viên Xuân Danh hỏi nhỏ: “Ông thấy có điều chi lạ không?” . Thấy Danh im lặng, Ngoan bảo luôn: “Thì nước uống cho khách đó. Người ta mời khách bằng nước lá cây rừng. Hay thiệt. Còn mình ở núi lại dùng nước đóng chai, lạt thếch. Sau chuyến đi này về phải đổi ngay”.
 Buổi tối ở làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, huyện Đông Giang mới thật sự là một trải nghiệm lạ. Đến với Bhơ Hôồng, du khách được ở nhà moong (bungalow), nhà lưu trú homestay đầy đủ tiện nghi, được tắm suối, trekking, nghe biểu diễn nhạc cụ dân tộc, bắn nỏ, múa cồng chiêng… Trên xe trở lại A Lưới, Pi Lục Nhắc nghe mọi người bàn tán xôn xao về những điều mắt thấy tai nghe ở Bhơ Hôồng và nhiều nơi ở các huyện miền núi Quảng Nam. Thì ra, làm du lịch phải học nhiều thứ lắm. Phải biết tập hợp người dân, biết cách chào hỏi, biết cách đem tới cho khách những trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn. Trên hết, đó là chuyện kinh doanh làm ăn, phải biết cách tạo ra được đồng lãi nhưng không vì thế mà nhắm mắt chạy theo giá trị đồng tiền, mà cần phải biết bảo tồn những giá trị văn hóa tinh hoa của chính mình.
Bài, ảnh: Đan Duy