Người lao động tìm hiểu thông tin các vị trí việc làm
Giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động
Tham gia phiên giao dịch việc làm đầu năm có 45 đơn vị, doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động, đào tạo nghề; trong đó, có 41 đơn vị, DN tuyển dụng, đào tạo lao động làm việc trên địa bàn và 4 DN dịch vụ tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhu cầu tuyển dụng trong quý I, năm 2022 gần 9.300 người ở các lĩnh vực: dệt may, linh kiện điện tử, công nghệ thông tin, sợi, chế biến đồ uống, maketing... làm việc trên địa bàn tỉnh và gần 1.000 người đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức...
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và sự phối hợp, thông tin ở các cấp cơ sở, nên số lượng người đăng ký tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp cũng như tương tác, tìm hiểu việc làm trên trang thông tin vieclamhue.vn trong những ngày qua đạt trên 10.000 người. Riêng trong ngày 20/2 diễn ra phiên giao dịch việc làm có 21 DN tham gia tuyển trực tiếp đã thu hút hàng trăm lao động đến phỏng vấn, nộp hồ sơ. Số lượng tham gia đăng nhập tư vấn trực tuyến gần 1.000 người.
Đơn vị tuyển dụng nắm bắt nguyện vọng và cung cấp thông tin việc làm đến lao động ứng tuyển trực tiếp
Nguyễn Quang Minh (TP. Huế) cho biết: "Lâu nay em làm nghề mộc và phụ thêm ba mẹ chăm sóc, bán thanh trà, bưởi khi đến mùa vụ. Do sức khỏe giảm sút sau vụ tai nạn, em muốn chuyển đổi nghề và đã tham gia khoá đào tạo nghề may. Nhân phiên giao dịch việc làm này, em tham gia phỏng vấn xin việc tại một doanh nghiệp may đóng ở Hương Sơ, TP. Huế để ổn định cuộc sống".
Đào Phúc Hải Long (đường Tăng Bạc Hổ, TP. Huế) có nhu cầu tuyển dụng công việc tại Công ty TNHH Vitto Phú Lộc với mong muốn có công việc, thu nhập ổn định, tương xứng với tay nghề và đảm bảo cuộc sống sau thời gian tránh dịch ở miền Nam trở về.
Thu hút lao động đến với doanh nghiệp nhiều hơn
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có trên 8.000 lao động bị mất việc làm. Từ đầu năm 2022 đến nay, thống kê của Trung tâm DVVL tỉnh có 461 lao động bị mất việc làm.
Để giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động, giảm tình trạng lao động thất nghiệp sau khi trở về quê tránh dịch COVID-19, Sở LĐTB&XH đã triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cũng như tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa người lao động với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để giải quyết việc làm hiệu quả, ổn định.
Người lao động và sử dụng lao động cùng nhau trao đổi thông tin để giao dịch việc làm thành công
Môi trường kết nối giữa DN và người lao động hiện rất rộng rãi, đa dạng. Thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ, du lịch sẽ hoạt động mạnh trở lại, nên thông qua các phiên giao dịch việc làm (trực tiếp và trực tuyến), chủ sử dụng lao động dễ dàng tìm kiếm nguồn lao động. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực sản xuất, nhất là trong ngành dệt may, số lượng DN, cơ sở nhỏ lẻ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh rất lớn nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh nguồn lao động. Vì thế, nhiều DN đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết cũng như tư vấn các vị trí cần tuyển, mức lương, chính sách... để thu hút, thuyết phục người lao động vào làm việc, đảm bảo kết quả giao dịch việc làm thành công.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, phiên giao dịch việc làm đầu năm là cơ hội để người lao động và DN gặp gỡ, là dịp cao điểm để giao dịch, tư vấn việc làm, nhất là sau thời gian nhiều hoạt động bị đình trệ do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cũng theo ông Hồ Dần, người lao động nên kết nối, mạnh dạn ứng tuyển ở các vị trí việc làm phù hợp, mặc dù khởi đầu công việc có mức lương chưa như mong muốn. Tuy nhiên, sau quá trình tham gia lao động, làm việc, dần dần tay nghề, kinh nghiệm sẽ được nâng lên, yêu nghề, muốn gắn bó với công việc hơn và mức lương chắc chắn cũng sẽ tăng cao.
Một thuận lợi nữa là, hiện có nhiều chính sách của Trung ương và địa phương về hỗ trợ người lao động, tạo điều kiện về việc làm, nhà ở, đi lại, chính sách tiền lương để giúp người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG