Những công nhân làm nghề thông cống đối mặt rất nhiều rủi ro 

Những ngày đầu năm, chúng tôi theo chân đội thoát nước Bắc sông Hương thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế - HEPCO. Đội này đảm nhận việc nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước ở các tuyến đường thuộc khu vực phía Bắc TP. Huế.

Hơn chục công nhân cùng rất nhiều phương tiện, dụng cụ cùng với xe chuyên dụng tập kết ở đầu đường Phùng Khắc Khoan, đoạn giáp với đường Bạch Đằng, nơi khúc sông Đông Ba chảy qua uốn lượn rất đẹp. Sau một hồi trao đổi, phân việc, các thành viên của đội thoát nước lần lượt chia ra các nhóm nhỏ. Họ hướng về các miệng cống, lần lượt dùng xà beng để nạy nắp cống. Nắp vừa bật lên, mùi hôi thối nồng nặc phả mạnh ngược lại, người ở cách xa hàng chục mét cũng cảm nhận được.

Ở mỗi nắp cống, một công nhân sẽ mang bộ đồ bảo hộ leo xuống phía dưới miệng cống sâu chừng 2m, có nơi sâu hơn. Theo nguyên tắc, sau khi nắp cống bật lên, phải để mùi hôi toả một hồi để các loại khí độc ở bên dưới thông đi người công nhân mới được xuống dưới.

Hít một hơi sâu, đeo khẩu trang kín mít và quan sát kỹ, công nhân Phạm Văn Xuân được đồng nghiệp hỗ trợ leo xuống. Vừa đặt chân đụng mặt nước đen sì, người công nhân này cứ thế lún sâu theo những lớp bùn đất và đá dày đặc. Bên trên mặt nước là đủ thứ rác thải theo các đường ống, chảy về phía dưới miệng cống, nổi lềnh bềnh. Miếng cống chẳng khác gì một “túi rác”.

Ông Xuân lần lượt gom rác, xúc đất đá vào thùng nhôm. Cứ đầy thùng, người công nhân già cội này ra tín hiệu để đồng nghiệp phía bên trên dùng dây thừng kéo lên, chuyển qua cho công nhân khác đổ vào chiếc xe thùng cỡ nhỏ. Hết thùng này đến thùng khác, đầy xe thùng công nhân sẽ kéo ra khu vực tập kết. Không kể đất đá tụ thành đống, rất nhiều rác thải khác từ bao ni lông, chai nhựa, mảnh sành, xác chết động vật, bỉm trẻ em… là những gì mà các công nhân phải đối mặt, xử lý trong quá trình thông cống. “Có bữa gặp con gà chết, bữa thì kim tiêm la liệt. Nhưng rồi cũng quen, xử lý từ từ hết”, ông Xuân kể. Người đàn ông 57 tuổi này nói rằng, mình có hơn 20 năm gắn bó với nghề.

“Những ngày đầu làm nghề cứ mỗi lần leo xuống là nôn oẹ. Về nhà lại mất ngủ. Nghĩ tới là rùng rợn. Nhưng rồi làm riết cũng quen”, ông Xuân tâm sự. Tuỳ mỗi miệng cống, lượng đất bùn, rác thải tích tụ mà thời gian xử lý khác nhau. Trung bình, mất tầm khoảng 2 giờ đồng hồ để xử lý. Và dù có mang bảo hộ nhưng từ đầu xuống chân, khi nào người công nhân thông cống cũng lấm lem bùn đất.

Xong phần dọn dẹp rác, ông Xuân hì hục “chui” lên mặt đất. Một đồng nghiệp trẻ khác, thay ông Xuân nhảy xuống. Bên trên, chiếc xe chuyên dụng di chuyển đến gần miệng cống. Bằng một vài thao tác nhanh gọn, đường dây phun nước phản lực được kéo xuống. Người công nhân nắm lấy rồi lần lượt chui sâu vào bên trong và thao tác phun mạnh. Dòng nước chảy ngược ra miệng cống. Mất một lúc chừng 15 phút, đường ống dẫn ra miệng cống thông suốt, không còn mùi hôi. Khi đậy lại nắp cống, thao tác phun nước phản lực cũng được thực hiện, đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ cho tuyến đường.

Theo các công nhân, tuỳ đặc thù mỗi tuyến đường, khu vực dân cư mà rác thải ra khác nhau. Có đường cống thì toàn dầu mỡ, có đường bã cà phê, có đường toàn đồ nhựa… Nhiều người vô ý thức, có gì cũng vứt. Có người còn vứt rác trên mặt đường, gặp nước mưa chảy xuống các miệng cống. Có người không ngần ngại mà tấp thẳng rác xuống ngay miệng cống.

Hỏi các công nhân về công việc này, họ có chung câu trả lời: “Mỗi người một nghề, nhưng nghề này đúng là vất vả. Nếu mình sợ hôi bẩn không làm thì ai làm bây giờ?”. Nếu có mong muốn, có lẽ những công nhân này chỉ mong người dân ý thức hơn, bỏ rác thải đúng nơi quy định thay vì gì cũng vứt xuống các miệng cống để công việc của họ vơi đi phần nhọc nhằn.

Anh Võ Trần Hoàng Chương, Đội trưởng Đội thoát nước Bắc sông Hương của HEPCO chia sẻ, dù biết môi trường công việc độc hại, nhưng anh em trong đội ai cũng đầy trách nhiệm, làm việc một cách nghiêm túc để lưu thông dòng chảy, đảm bảo vệ sinh, môi trường cho các tuyến đường, phố. “Hơn cả nghề nghiệp đó còn là sự nhiệt tâm và tình yêu với công việc”, anh Chương nói về các công nhân trong đội mình.

Những hình ảnh được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Một nhóm công nhân thông cống ở khu vực Bắc sông Hương thuộc HEPCO bắt đầu công việc của mình bằng thao tác lật nắp cống. 

Theo nguyên tắc, sau khi nắp cống bật lên, phải để mùi hôi toả một lúc để các loại khí độc ở bên dưới thông ra, người công nhân mới được xuống dưới để thao tác công việc

Đá, rác thải sau khi được công nhân cho vào thùng nhôm sẽ ra tín hiệu để đồng nghiệp bên trên dùng dây thừng và lực tay để kéo lên trên mặt đất

Bên cạnh bùn đất là rất nhiều loại rác thải khác được vớt lên từ các miệng cống với màu đen sì, mùi hôi nồng nặc...

Không chỉ xử lý rác thải ở các miệng cống, các công nhân còn phải chui sâu vào các cống nối từ miệng này đến miệng kia để xử lý rất nhiều loại rác thải bám chặt. 

 

Bùn đất, rác thải sau khi được đưa lên từ các cống thoát nước sẽ được di chuyển đến khu vực tập kết, cách xa khu dân cư trước khi có xe chuyên dụng chở đi đến khu vực xử lý

Thông thường, mỗi miệng cống sẽ có từ 4-5 công nhân xử lý bùn đất, rác thải, làm thông thoáng đường ống... 

Dùng ống phun nước phản lực xịt mạnh vào bên trong để cho hệ thống đường ống lưu thông

Sau khi xử lý xong một tuyến đường, các công nhân lại hỗ trợ nhau làm vệ sinh đồ bảo hộ cũng như thân thể. Dù vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng các công nhân làm nghề này coi đó là trách nhiệm và niềm đam mê nghề nghiệp

Clip một nhóm các công nhân xử lý hệ thống bùn đất, rác thải ở một miệng cống ở khu vực phía Bắc sông Hương

NHẬT MINH - LÊ THỌ (thực hiện)