Vaccine Merah Putih dự kiến sẽ được dùng cho mũi tiêm nhắc và cho trẻ em. Ảnh: Nasional.kontan.co.id/Baotintuc

Các nhà phân tích cho rằng đây là một bước phát triển quan trọng đối với Indonesia, nơi hơn 65% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, nếu vaccine có thể được sản xuất trong nước từ một nguồn đáng tin cậy.

Nghiên cứu về loại vaccine này được tiến hành bởi Đại học Airlangga và công ty dược phẩm nội địa là Biotis Pharmaceuticals Indonesia.

Với sự tham gia của 90 tình nguyện viên là người trưởng thành, giai đoạn đầu tiên của các thử nghiệm về tính an toàn của vaccine đã bắt đầu hôm 9/2 vừa qua. Giai đoạn tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 3 với 405 tình nguyện viên và giai đoạn thứ ba vào tháng 4 với tối đa 5.000 tình nguyện viên.

Các giai đoạn sau của thử nghiệm sẽ kiểm tra xem liệu loại vaccine sử dụng virus bất hoạt này có thể kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể người chống lại virus SARS-CoV-2 hay không.

Giáo sư Fedik Abdul Rantam, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine của Đại học Airlangga, nói rằng vaccine này sẽ bảo vệ con người khỏi các biến thể của virus corona hiện có, nhưng không đề cập đến bất kỳ biến thể cụ thể nào.

Trong các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Delta đã được chứng minh đạt 85%.

Giáo sư Fedik cho biết nhóm nghiên cứu hy vọng vaccine sẽ được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Indonesia (BPOM) cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 7 nếu các thử nghiệm thành công, và sẽ sẵn sàng ra mắt vào tháng 8 tới. Ông cũng tiết lộ thêm rằng loại vaccine này được thiết kế cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ mang thai, nhưng các nhóm chính xác sẽ được xác định sau giai đoạn thứ ba của thử nghiệm.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với 270 triệu người, đến nay vẫn phụ thuộc vào vaccine nước ngoài, chủ yếu là vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất, mà nước này mua hoặc nhận quyên góp cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia.

Hơn một năm sau khi triển khai tiêm chủng, 140,3 triệu người, tương đương 67,4% trong số 208,3 triệu người đủ điều kiện, đã được tiêm chủng đầy đủ, với khoảng 8,5 triệu người, tương đương 4,1%, đã tiêm mũi tăng cường.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết vaccine do Airlangga và Biotis phát triển có thể được dùng cho mũi tiêm nhắc hoặc cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ từ 3-6 tuổi. Vaccine này cũng có thể sẽ được tặng cho các quốc gia khác có nhu cầu, đặc biệt là ở châu Phi.

Được biết, cơ sở sản xuất của Biotis ở Bogor, Tây Java, có khả năng sản xuất 240 triệu liều vaccine mỗi năm.

Giám đốc Biotis Pharmaceuticals Indonesia nói rằng trước hết, công ty sẽ tập trung vào việc cung cấp các mũi tăng cường cho trẻ em.

Indonesia đã hướng đến việc phát triển và sản xuất vaccine nội địa kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Hiện có 6 “ứng cử viên” vaccine sử dụng các công nghệ khác nhau, chẳng hạn như virus bất hoạt và protein tái tổ hợp, đã được phát triển trong nước bởi một số trường đại học và tổ chức nghiên cứu kể từ năm 2020.

Bước đi chiến lược

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển vaccine nội địa, trong bối cảnh đất nước có quy mô dân số lớn và khó đoán định đại dịch khi nào mới kết thúc. “Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng và phát triển vaccine ngay ở Indonesia sẽ là một thuận lợi cho tất cả chúng ta”, ông Budi khẳng định.

Dự án vaccine Merah Putih đã phải đối mặt với sự chậm trễ và một số hoài nghi ban đầu của công chúng, bao gồm cả lý do tôn giáo. Là quốc gia có số tín đồ theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, Hội đồng Ulema Indonesia gần đây đã cấp chứng nhận Halal (xác nhận sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu của luật Hồi giáo và người Hồi giáo có thể sử dụng được) - một động thái rất cần thiết để nâng cao lòng tin của công chúng đối với loại vaccine này.

Tiến sĩ Dicky Budiman - nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith ở Australia, nhận định rằng vaccine Merah Putih là một “bước đi lớn có tính chiến lược” đối với Indonesia, quốc gia sẽ cần nhiều vaccine hơn trong tương lai đối với các bệnh khác khi dân số ngày càng tăng.

“Nếu việc phát triển vaccine có thể được thực hiện trong nước, những trở ngại tiềm ẩn liên quan đến những nghi ngại về quy trình, nghiên cứu, tình trạng halal và hiệu quả của nó sẽ giảm xuống… Nếu mọi người thấy nghiên cứu được thực hiện ở Indonesia bởi người Indonesia, họ sẽ có mức độ tin tưởng khác, và điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng được chấp nhận của vaccine”, ông nhấn mạnh.

Indonesia hiện đang đối phó với đợt dịch thứ ba khi biến thể Omicron lan rộng trên cả nước. Hôm 19/2, hơn 59.000 ca nhiễm mới và 158 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 đã được báo cáo ở quốc gia này, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu đại dịch đến nay lên hơn 5,1 triệu và hơn 146.000 người tử vong.

Tố Quyên (Lược dịch từ Straitstimes)