Hầu hết người dân ở các căn hộ chung cư Hương Sơ, Phú Hậu chưa đóng đủ tiền nhà

Chưa có giải pháp

Đặt vấn đề về việc thu tiền nhà tại các chung cư trên địa bàn TP Huế, không chỉ nhân viên, lãnh đạo cơ quan quản lý về mặt Nhà nước được giao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ này là Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế mà đến các cơ quan phối hợp thực hiện cũng lắc đầu. Đây là câu chuyện dài mà người trong cuộc thường ví von là có khi phải chờ đến các thế hệ sau mới mong có hồi kết. Bởi có không ít chung cư ra đời cách đây gần 15 năm, cũng đồng nghĩa với chừng đó năm có người sử dụng, nhưng kinh phí xây dựng công trình được khấu trừ vào tiền mua nhà hàng năm đến nay rất nhiều người dân chưa trả xong.
Nói như lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế, ông Lê Việt Cường, thì có khi phải dùng đến hạ sách là “hù dọa”, song người dân vẫn không chấp hành. Vì thế mà từ đầu năm đến nay, đơn vị chỉ thu được vài chục triệu đồng tiền mua nhà chung cư.
Không thu được thì phải có giải pháp, không lẽ Nhà nước “bó tay”? Những người làm công tác quản lý trầm ngâm: “Không hẳn là bó tay nhưng trước mắt cũng chưa có giải pháp gì, chủ yếu vẫn là tuyên truyền vận động. Dân thì nghèo, thu nhập không ổn định. Tất nhiên cũng không loại trừ một bộ phận trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là do người dân khó khăn, không có tiền để nộp”.
Hàng tháng, thậm chí hàng ngày, cán bộ thu tiền của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế vẫn đều đặn đến nhà dân gửi thông báo, nhắc nhở người dân nộp tiền nhà, song kết quả chỉ như muối bỏ biển.
Đa số là dân lao động nghèo
Phường Phú Hậu có số lượng chung cư lớn nhất TP Huế, với 12 khối nhà từ 3-4 tầng với khoảng 375 căn hộ. Mỗi căn hộ diện tích chỉ chừng 30-50m2, nhưng có gia đình có tới 3-4 thế hệ cùng sinh sống. Mỗi phòng lớn được ngăn thành hai ba phòng nhỏ, nhà vệ sinh dùng chung, không gian sinh hoạt không có... con cái, cháu chắt chen chúc nhau là thực tế diễn ra ở khá nhiều gia đình đang sống tại các dãy nhà chung cư nơi đây.
Gia đình chị Lê Thị Hoa có 8 nhân khẩu. Đa số là chưa tới và hết tuổi lao động. Dù thế, các con của chị cũng phải kiếm việc lặt vặt làm thêm để phụ giúp ba mẹ. Nồi bánh canh và vài chục ngàn đồng không đều đặn từ việc đạp xích lô của vợ chồng chị Hoa còn khó để lo đủ ngày 3 bữa cơm cho 8 miệng ăn. “Nợ thì phải trả, nhưng không có tiền thì biết làm răng. Nhà nước thương tình được chừng mô hay chừng nấy”, chị Hoa phân bua.
Trường hợp như gia đình chị Lê Thị Hoa không phải là cá biệt. Ở những dãy chung cư như nhà H, B, C, F..., người nghèo khó, thu nhập không ổn định còn rất nhiều.
Theo Tổ trưởng tổ dân phố 16 phường Phú Hậu kiêm quản lý dãy nhà H - Phan Thanh Hà so với một số dãy nhà khác, thì người dân sống tại đây tương đối ổn định hơn về thu nhập, nhưng để có tiền triệu đóng tiền nhà, thậm chí vài trăm ngàn đồng thôi cũng không phải là chuyện dễ với nhiều gia đình.
Với vai trò tổ trưởng, ông Hà luôn nhắc nhở người dân đóng tiền nhà đúng hạn, tuy thế, không phải nhiều lần mà hầu như ngày nào ông tổ trưởng cũng nhắc nhở người dân đóng tiền nhà, nhưng lực bất tòng tâm.
Thiếu kinh phí sửa chữa
Không thu được tiền nhà từ người dân, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc ứng kinh phí để thực hiện sửa chữa hư hỏng. Việc hư hỏng, xuống cấp..., ở chung cư Phú Hậu chúng tôi đã đề cập không ít lần trong các số báo trước đây.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế Lê Việt Cường, chỉ với những hư hỏng lớn, đơn vị mới không đủ kinh phí để sửa chữa, còn những hư hỏng nhỏ, như ống nước, điện chiếu sáng..., trung tâm thường xuyên cử cán bộ giám sát theo dõi để báo cáo, nhờ nhà thầu khắc phục dù đã hết thời hạn bảo hành.
Rất nhiều lần người dân sống tại chung cư Phú Hậu lên tiếng về tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các dãy nhà chung cư. Dù thế thì việc khắc phục không phải dễ, khi mà kinh phí để thực hiện không biết lấy từ đâu.
“Không phải không thu được tiền nhà mà chúng tôi không khắc phục hư hỏng. Dân không đóng tiền nhưng hư cũng phải sửa. Trung tâm đang lập dự toán xin kinh phí TP Huế để triển khai khắc phục các sự cố ở chung cư trong năm nay. Dự kiến sẽ tốn khoảng 200 triệu đồng mỗi năm để thực hiện các công việc này”, ông Trần Thanh Bình, Trưởng bộ phận Nhà ở tái định cư Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế nói.
Cũng theo lời ông Trần Thanh Bình, dù biết là khó thu tiền nhà của dân, nhưng cũng không thể không thu. Và giải pháp vẫn là thuyết phục, vận động.
Bài, ảnh: Tâm Huệ