Khách hàng đến ngân hàng để nghe tư vấn về dịch vụ
Khách hàng sốc với phí thu dịch vụ SMS
Mấy ngày gần đây, các khách hàng có tài khoản thanh toán tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phản ánh về việc bị ngân hàng trừ phí dịch vụ SMS Banking tháng 1/2022 với số tiền cao hơn nhiều so với các tháng trước.
Vốn kinh doanh online nên chị Đỗ Hồng Phượng có số lượng giao dịch qua ngân hàng điện tử khá lớn. Vì thế, khi nghe thông tin ngân hàng miễn phí chuyển khoản từ đầu năm 2022, chị mừng thầm vì hàng tháng có thể tiết kiệm được vài trăm ngàn tiền phí chuyển khoản. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa được lâu khi mới đây, chị nhận được tin nhắn trừ tiền từ ngân hàng với nội dung “thu phí dịch vụ SMS Banking tháng 1/2022 với số tiền 77.000 đồng”.
Theo chị Phượng, trước đây mỗi tháng ngân hàng đều thu phí 22.000 đồng bao gồm ngân hàng điện tử và SMS Banking. Tuy nhiên, trong tháng 2 (thu phí tháng 1), số phí lại tăng hơn gấp 3. Tính sơ sơ với mức phí này, cả năm cũng đã mất hơn 900 ngàn đồng cho chi phí SMS. Việc không thu phí chuyển tiền nhưng lại tăng phí dịch vụ SMS thật sự rất khó chấp nhận.
Đó cũng là tâm trạng chung của khá nhiều khách hàng của Vietcombank trong những ngày qua. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khách hàng khác lại cho rằng, Vietcombank có khuyến cáo khách hàng nên hủy dịch vụ SMS Banking từ trước và chỉ nên kích hoạt đăng ký báo số dư qua ngân hàng điện tử nên một phần nguyên nhân cũng do khách hàng, không thể trách ngân hàng.
Đại diện Vietcombank chi nhánh Huế thông tin, việc điều chỉnh biểu phí dịch vụ ngân hàng điện tử và chính sách dịch vụ tài khoản dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ 1/1/2022, Vietcombank đã thông tin trên các kênh App, Email, Website cho tất cả các khách hàng và gửi tin nhắn trực tiếp tới những khách hàng có số lượng nhận tin nhắn cao căn cứ vào lịch sử sử dụng trong 3 tháng 10, 11, 12/2021
Cụ thể, mức phí duy trì dịch vụ này sẽ được chuyển từ cố định 10.000 đồng/số điện thoại/tháng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) thành phí tính theo số lượng tin nhắn chủ động. Các số điện thoại nhận dưới 20 tin nhắn/tháng vẫn tính phí 10.000 đồng, tuy nhiên, từ 20 đến dưới 50 tin nhắn sẽ tính phí 25.000 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin nhắn tính phí 50.000 đồng và từ 100 tin nhắn trở lên tính phí 70.000 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Không chỉ khách hàng của Vietcombank mà nhiều ngân hàng khác như BIDV, Techcombank… cũng áp dụng mức phí SMS phổ biến là 33.000 đồng, 55.000 đồng và 77.000 đồng/tháng thay vì 11.000 đồng như trước đó.
Nhiều khách hàng phải đóng 77.000 đồng cho phí SMS tháng 1/2022
Khuyến khích khách hàng nhận tin nhắn qua app ngân hàng
Hiện nay, khách hàng đang sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP (mật khẩu giao dịch một lần) qua tin nhắn SMS. Tuy nhiên, đa phần, các ngân hàng chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hiện các doanh nghiệp viễn thông đang tính cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường, cụ thể: Mobifone và Vinaphone đang thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi, cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99-350 đồng/tin nhắn. Như vậy, chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng đang phải bù lỗ số tiền không nhỏ.
Để hạn chế chi phí phát sinh cho khách hàng, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng nên hủy dịch vụ báo biến động số dư qua SMS, khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Một số ngân hàng như Sacombank, ACB cũng đã ngừng việc thông báo biến động tài khoản thanh toán qua tin nhắn SMS mà chuyển sang thông báo trên app.
Đại diện Vietcombank chi nhánh Huế chia sẻ, hiện đa số khách hàng đều đã dùng app của ngân hàng nên khách hàng có thể hủy dịch vụ báo biến động số dư qua SMS theo cú pháp VCB CD HUY gửi 6167. Đồng thời, khách hàng đăng ký tính năng OTT Alert ngay trên VCB Digibank để nhận biến động số dư cũng như các dịch vụ liên quan. Việc sử dụng thông báo số dư qua app sẽ không ảnh hưởng đến quá trình giao dịch của khách hàng mà còn giúp khách hàng tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng các dịch vụ tài chính và nâng cao an toàn thông tin giao dịch của khách hàng. Đồng thời, hạn chế được những rủi ro cho khách hàng khi nhận các tin nhắn lừa đảo qua SMS.
Việc sử dụng thông báo qua các app của ngân hàng cũng kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Hoàng Loan