Đầu tư vào hệ thống y tế sẽ bảo vệ an ninh con người. Ảnh minh họa: Infovaticana.com/VietnamBiz

Mặc dù khoa học hiện đại đã cung cấp nhiều công cụ cần thiết để chống lại virus, song việc thiếu quyền truy cập công bằng đã và đang đẩy thế giới vào nguy cơ đối mặt với nhiều biến thể mới xuất hiện. Có nghĩa là chúng ta vẫn còn rất xa mới kết thúc đại dịch này.

Ngoài số lượng ca bệnh, các biến thể và gián đoạn đối với cuộc sống hằng ngày, COVID-19 đã phơi bày những bất bình đẳng và yếu kém vẫn còn tồn tại trong hệ thống y tế của chúng ta. Kết quả nhận thấy được là gia tăng áp lực và chính điều này đang làm xói mòn lòng tin và an ninh của cộng đồng, gây nguy hiểm cho sức khỏe của hàng triệu người trên toàn cầu ngay trong một thế giới mà ước tính có 6/7 người cho biết rằng họ cảm thấy bất an trước đại dịch.

Một báo cáo mới của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã thừa nhận mối liên kết quan trọng giữa sức khỏe và an ninh con người, qua đó nhấn mạnh rằng hệ thống y tế mạnh mẽ là điều cần thiết để bảo vệ các cá nhân trước những mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh nhân loại.

Chính vì lý do này, nhân rộng đầu tư ngay lập tức vào các hệ thống y tế phải là ưu tiên toàn cầu để thúc đẩy phản ứng đại dịch công bằng, cũng như giải quyết những thách thức về sức khỏe khác và cải thiện khả năng sẵn sàng, năng lực chống chọi với các đại dịch trong tương lai.

Với khoảng cách lớn và ngày càng mở rộng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe giữa các quốc gia, hậu quả của việc tiếp tục không hành động, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vẫn đang tồn tại, chực chờ tấn công chúng ta hằng ngày. Theo báo cáo, từ năm 1997 đến 2017, khoảng cách về hiệu suất chăm sóc sức khỏe giữa các quốc gia có trình độ phát triển con người thấp và các nước có trình độ phát triển cao đã tăng hơn 10%.

Các hệ thống y tế mỏng manh và quá căng thẳng ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp đã và đang phải ứng phó với đại dịch bằng cách chuyển hướng các nguồn lực, hoặc tạm dừng thực hiện các chương trình, dịch vụ y tế thiết yếu. Chẳng hạn, tỷ lệ tiêm chủng định kỳ ở trẻ em đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, với ước tính rằng khoảng 23 triệu trẻ em dưới 1 tuổi vẫn đang thiếu các mũi tiêm cơ bản. Các cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ chống lại các chủng bệnh như HIV, lao, bại liệt và sởi cũng đã bị gián đoạn, với dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng hợp cho thấy, số ca tử vong do bệnh lao lần đầu tiên đã tăng trở lại kể từ năm 2005.

Ảnh hưởng từ hệ thống y tế yếu kém đã dẫn đến hậu quả rằng đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tác động xấu đến sự phát triển của con người nói chung. Điều này được minh chứng rõ nhất trong kết quả của báo cáo năm 2021 của Liên Hiệp quốc cho thấy, đại dịch COVID-19 đã đảo ngược 15 năm tiến bộ về giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Khoảng 1,6 tỷ lao động phi chính thức phải đối mặt với tình trạng thu nhập giảm 60% năm 2020, góp phần gia tăng tình trạng nghèo đói trên toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Bất chấp những trở ngại do COVID-19 mang lại, chúng ta có thể thực hiện những hành động rõ ràng để khắc phục các điểm yếu về cấu trúc của hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an ninh con người. Chẳng hạn, việc thúc đẩy bao phủ sức khỏe toàn dân (UHC) sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, cùng lúc cải thiện khả năng cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu và tăng cường giám sát rủi ro dịch bệnh. Bây giờ là lúc đầu tư vào tăng cường hệ thống y tế và các sáng kiến sẵn sàng ứng phó với đại dịch đa ngành để tất cả các quốc gia đều được chuẩn bị đầy đủ, nhằm nhanh chóng phát hiện ra các ổ dịch và ngăn chặn chúng biến thành đại dịch.

Đối tác Tiếp cận và Phân phối (ADP) và Quỹ Công nghệ Sáng tạo Y tế Toàn cầu (GHIT) do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc và Chính phủ Nhật Bản dẫn đầu là hai ví dụ về những sáng kiến như vậy. Cụ thể, các quan hệ đối tác này đã làm việc nhằm hỗ trợ ứng phó với đại dịch ở các nước thu nhập trung bình và thấp, đồng thời giảm thiểu tác động đối với những thách thức sức khỏe hiện có, bao gồm bệnh lao, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị bỏ quên.

Những mô hình hợp tác này rất quan trọng để bảo vệ các quốc gia khỏi những mối đe dọa trong tương lai, bởi COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà chúng ta phải đối mặt.

Một lần nữa, cần phải khẳng định rõ rằng, sức khỏe con người gắn liền với sức khỏe của khí hậu và khủng hoảng khí hậu, với tác động của nó đối với các bệnh truyền nhiễm nói riêng và sức khỏe con người nói chung là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt đối với an ninh con người. Đầu tư ngay bây giờ vào các hệ thống y tế mạnh mẽ chính là đang đầu tư vào an ninh lâu dài của cá nhân và cộng đồng trong nhiều thập kỷ tới.

Bằng cách thực hiện các cam kết toàn cầu và đầu tư vào các hệ thống mà không bỏ lại ai phía sau, cũng như xây dựng hướng đến một tương lai xanh hơn, an toàn hơn và tốt đẹp hơn, chúng ta có thể đạt được khả năng phục hồi toàn cầu, qua đó đảm bảo rằng hàng tỷ người sẽ được bảo vệ.

Đan Lê (Lược dịch từ Japan Times)