Nhiều xe buýt tuyến Huế - Đà Nẵng tại bến xe phía nam TP. Huế kêu than vì lăn bánh là lỗ trong thời điểm này

Doanh nghiệp gồng mình

Theo đánh giá chung của các DN vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng thêm từ 1-1,5 nghìn đồng/lít, tỷ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ DN vận tải ở TP. Huế cho biết, giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt DN vận tải hàng hóa vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. DN có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu. Chi phí đầu vào phát sinh ngày càng tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch. Chưa kể DN phải tăng chi phí phúc lợi mới giữ được chân người lao động do hiện nay rất khó tìm nhân sự lĩnh vực vận tải.

“Thời điểm đầu năm hoạt động vận tải được đẩy mạnh thì lại gặp trở ngại vì chi phí nhiên liệu. Giá xăng, dầu tăng mạnh, DN vận tải trở tay không kịp nên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn" - ông Hoàng nói.

Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế - Trần Sĩ Cuộc chia sẻ, với hơn 90 phương tiện của đơn vị (vừa xe khách và xe tải); trong đó khoảng 50% đang hoạt động theo các tuyến cố định và hợp đồng. Nếu so với giá xăng dầu hiện tại thì mỗi ngày đơn vị phải chịu thêm không dưới 10 triệu đồng. Giá xăng, dầu “nhảy múa” cùng các chi phí hao mòn bảo trì, thuê sân bãi, chỗ đậu xe… cũng tăng theo khiến đơn vị khó khăn.

Theo ông Cuộc, hơn 2 năm qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, DN phải “gồng mình” cầm cự mới có thể duy trì hoạt động. Để có doanh thu, việc làm cho người lao động, đơn vị cũng xoay xở mọi cách, như hợp đồng trung chuyển hàng hóa, chạy khách lẻ... nhưng tình hình vẫn không được cải thiện bởi suốt thời gian dài dịch COVID-19 diễn biến quá phức tạp, nhiều phương tiện phải nằm bến, bãi.

Phương tiện taxi nằm chờ khách đang lo lắng vì giá xăng dầu đã tăng cao

Xe lăn bánh là lo lỗ

Không chỉ vận tải hàng hóa mà DN xe khách cũng đau đầu với việc khó khăn tiếp tục bủa vây. Một DN vận tải hành khách liên tỉnh có quy mô lớn cho biết, để hòa vốn cho 1 xe lăn bánh phải đạt từ 50% số ghế trở lên. Tuy nhiên, chỉ cần lượng khách bằng con số này thì việc có lãi để duy trì hoạt động cho công ty là vấn đề khi giá xăng, dầu tăng cao. Trước dịp Tết Nhâm Dần, DN bắt đầu nối lại hoạt động từ Huế đi các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng và các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng... thì mỗi ngày chỉ đạt từ 2-3 chuyến, mỗi chuyến đạt chưa đến 40% số ghế. Do vậy, nhiều phương tiện đành tạm dừng vì thu không đủ chi. Thời điểm sau tết là cao điểm đi lại trong vận tải khách, nhưng qua theo dõi thị trường vẫn chưa thể phục hồi. Hiện tại, dịch vẫn còn phức tạp, nhu cầu khách đi lại chưa nhiều. Tại bến xe phía bắc và nam TP. Huế, mỗi ngày chỉ có 30-40 lượt xuất bến; số xe bỏ bến, tuyến khá nhiều bởi nhiều DN lo lắng, xe chưa lăn bánh đã sợ lỗ, không dám chạy.

Ông Hồ Tăng Cường, Giám đốc HTX dịch vụ vận tải Huế cho biết, dịch COVID-19 kéo dài khiến các DN vận tải khách cạn kiệt nguồn lực, số lượng xe được phép hoạt động trở lại khá khiêm tốn. Hiện tại hơn 15 chủ xe thuộc đơn vị đều vay vốn ngân hàng từ 400-500 triệu đồng/người nhưng mấy tháng nay hoạt động không hiệu quả, lãi chồng lãi nhiều trường hợp đã bỏ nghề.

Ông Đoàn Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội taxi Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, phương tiện taxi ở địa phương cũng rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" vì dịch bệnh. Trước, sau tết có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng không nhiều chỉ bằng 50% so với trước. Khó chồng khó, bây giờ xăng, dầu tăng giá ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của taxi nhưng không thể tùy tiện điều chỉnh, do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Chỉ cần nhích tăng giá là lượng khách sẽ càng ít hơn.

"Tăng giá cước trong thời điểm khó khăn hiện nay là việc làm của các DN taxi chưa nghĩ đến. Tuy vậy thời gian tới, nếu giá xăng, dầu tăng thêm đơn vị sẽ có phương án đề xuất, điều chỉnh để các DN taxi duy trì hoạt động" - ông Quang cho hay.

Theo ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Đăng kiểm, Sở Giao thông Vận tải, để có được khách, hàng hiện đã là điều rất khó với ngành vận tải, nhưng để giá cước tăng theo giá xăng dầu thì sẽ khiến DN mất khách và hàng. Song nếu không thể tăng giá cước, đồng nghĩa với việc DN phải đối mặt với tình trạng lỗ chi phí, thu không đủ chi. Đây là bài toán các DN vận tải phải cân nhắc, có giải pháp tối ưu để duy trì hoạt động ổn định.

Chiều 21/2, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh là 25.530 đồng/ lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng/lít (tăng 960 đồng). Giá dầu hỏa cũng điều chỉnh là 19.500 đồng/ lít, tăng 750 đồng. Dầu diesel là 20.800 đồng/lít, tăng hơn 940 đồng. Dầu mazut là 17.930 đồng/kg, tăng 280 đồng. Đây là kỳ tăng thứ năm liên tiếp của giá xăng từ cuối tháng 12/2021. Như vậy, giá xăng RON 95 đã tăng 3.480 đồng so với giữa tháng 12/2021; còn E5 RON 92 tăng thêm 3.450 đồng; dầu diesel 3.470; dầu hỏa 3.180 đồng.

Bài, ảnh: Minh Văn