Tổng trọng lượng nhựa trên Trái đất đã cao gấp 4 lần sinh khối của tất cả các loài động vật sống. Ảnh: Reuters/Laodong

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Bethanie Carney Almroth, đồng tác giả của nghiên cứu cảnh báo rằng “những tác động mà hiện nay chúng ta bắt đầu nhìn thấy đã đủ lớn để ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của hành tinh và các hệ thống liên quan”.

Nghiên cứu trên do Trung tâm Phục hồi môi trường ở Stockholm thực hiện, được đưa ra trước thềm cuộc họp của LHQ sẽ diễn ra ở Nairobi vào cuối tháng này nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa “từ nguồn ra biển”.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP), hóa chất và nhựa đang ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm tăng áp lực cho các hệ sinh thái vốn đã căng thẳng. Trong khi đó, nhiều loại thuốc trừ sâu đã giết chết các sinh vật sống một cách bừa bãi và nhiều sinh vật thậm chí còn ăn phải nhựa lẫn trong thức ăn.

Bà Almroth cũng cho biết, một số hóa chất đang tác động đến hệ thống hormone, làm gián đoạn quá trình tăng trưởng, trao đổi chất và sinh sản ở động vật hoang dã. Trong khi cần những nỗ lực lớn hơn để ngăn chặn các chất này xả thải ra môi trường, các nhà khoa học hiện đang thúc đẩy các giải pháp quyết liệt hơn, chẳng hạn giới hạn về sản lượng.

Cần giới hạn sản lượng

Các dữ liệu thực tế cho thấy việc tái chế cho đến nay chỉ mang lại kết quả rất thấp: chưa tới 10% lượng nhựa trên thế giới được tái chế, trong khi sản lượng đã tăng gấp đôi lên 367 triệu tấn kể từ năm 2000.

Hiện nay, tổng trọng lượng nhựa trên Trái đất đã cao gấp 4 lần sinh khối của tất cả các loài động vật sống, các nghiên cứu gần đây cho thấy. Theo Trung tâm Phục hồi môi trường Stockholm, lượng nhựa và hóa chất hiện đang vượt quá giới hạn an toàn của hành tinh, có nguy cơ gây ra những tác động không thể đảo ngược. Do vậy, các nhà khoa học cho rằng cần phải đặt giới hạn về sản lượng. “Chúng ta không thể sản xuất nhiều hơn mức hiện nay”, Trung tâm Phục hồi môi trường Stockholm khẳng định.

Trong vài năm qua, trung tâm này đã tiến hành các nghiên cứu về “giới hạn của hành tinh” trong 9 lĩnh vực ảnh hưởng đến sự ổn định của Trái đất, chẳng hạn như phát thải khí nhà kính, việc sử dụng nước sạch và tầng ôzôn. Mục đích là để xác định xem nhân loại có đang ở trong một “không gian hoạt động an toàn” hay các giới hạn đang bị vượt quá và đe dọa tương lai của hành tinh?

Theo các nhà khoa học, tác động của “các thực thể mới” – tức các sản phẩm hóa học do con người tạo ra như nhựa, thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và kim loại phi tự nhiên, cho đến nay vẫn là một câu hỏi lớn.

“Chúng tôi chỉ mới bước đầu hiểu được những tác động lâu dài trên quy mô lớn của những phơi nhiễm này”, bà Carney Almroth thừa nhận.

Trong số khoảng 350.000 hóa chất nhân tạo khác nhau, hầu hết được phát triển trong 70 năm qua, các nhà khoa học gần như không có kiến ​​thức về đại đa số các hoá chất đó, bao gồm thông tin về sản lượng, tính ổn định của chúng, cũng như số phận của chúng trong môi trường và độc tính của chúng.

Ngay cả những cơ sở dữ liệu toàn diện nhất, chẳng hạn như kho REACH của Liên minh Châu Âu, chỉ bao gồm 150.000 sản phẩm và chỉ một phần ba trong số đó là đối tượng của các nghiên cứu chi tiết về độc tính.

Không có “viên đạn bạc”

Kết quả là, nhóm các nhà nghiên cứu tập trung vào những gì đã biết, và thông tin từng phần này đủ để đưa ra một kết luận đáng báo động.

“Nhìn vào những thay đổi theo thời gian và xu hướng khối lượng hoá chất xả ra môi trường... kết nối điều đó với những gì biết được về tác động, chúng ta có thể nói rằng mọi mũi tên đều đang chĩa sai hướng”, bà Carney Almroth nói.

Mặc dù cho rằng thế giới vẫn còn thời gian để giải quyết tình trạng báo động trên, nhưng bà Carney Almroth nhấn mạnh cần phải có những hành động khẩn cấp và đầy tham vọng ở cấp độ quốc tế. Hơn nữa, “không có viên đạn bạc”.

“Không có giải pháp nào có thể giải quyết được tất cả những vấn đề này, bởi vì rất nhiều hóa chất và vật liệu trong số này là những thứ mà chúng ta sử dụng và cần thiết cho cuộc sống hiện nay”, bà thừa nhận.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bất kể các nỗ lực được thực hiện trong giai đoạn sản xuất hay quản lý chất thải, khối lượng sản xuất cần phải giảm xuống, báo cáo của Trung tâm Phục hồi môi trường Stockholm nhấn mạnh.

Tố Quyên (Lược dịch từ Straitstimes)