Theo thống kê của ngành y tế Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có khoảng 140.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12. Thời điểm này, hơn 21 triệu liều vắc-xin được Chính phủ đặt mua để tiêm cho nhóm trẻ chưa về đến Việt Nam, nhưng ngành y tế đã lên kế hoạch cụ thể và sẵn sàng triển khai tiêm ngay khi có vắc-xin. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế nói rõ: “Tất cả những quy định chung về tiêm chủng đều được tuân thủ; trong đó, vấn đề an toàn trong tiêm chủng cho trẻ phải được đảm bảo tuân thủ tuyệt đối”.

Tại thời điểm này, phần lớn các hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Tuy nhiên, khi cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các con.

Trước tình trạng nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng cho sự an toàn về lâu dài của con trước những tác dụng phụ của vắc-xin, hoặc kiên quyết không đồng ý tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho con vì cho rằng “nếu lỡ có nhiễm SARS-CoV-2 thì tình trạng bệnh cũng không chuyển nặng”, nhiều chuyên gia y tế đã có ý kiến rất rõ ràng.

GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đồng thuận với chiến lược tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của Chính phủ và mong muốn công tác này được triển khai thực hiện sớm, trên cơ sở cập nhật tình hình tiêm chủng của các nước trên thế giới. Theo GS. Hiệp, thời gian qua, số ca nhiễm COVID-19 ở nhóm tuổi dưới 12 khá nhiều, nhất là thời điểm các trường học mở cửa. Tuy trong số ca nhiễm ở nhóm tuổi này có tỷ lệ phải cấp cứu hồi sức và tử vong không cao, nhưng đây lại là nguồn lây nguy cơ cao cho những bệnh nhân khác. Cùng với đó, TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng bày tỏ: Tôi là một bác sĩ nhi khoa nên tôi thấy vấn đề ở chỗ là cần phải bảo vệ tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Tôi nghĩ rằng, các bố mẹ nên cho con mình có cơ hội để phòng, chống dịch bệnh. Nếu không may mắc COVID-19, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong.

Dưới góc độ người làm công tác tiêm chủng, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: Chúng tôi thấy rất rõ bức tranh chúng ta đã giảm được gánh nặng bệnh tật hàng trăm, hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em so với nếu không tiêm chủng. Với COVID-19 cũng vậy. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo là cần phải tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ. COVID-19 cũng như các bệnh do vi-rút, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta cần phải đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, trên thế giới hiện có hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Các quốc gia châu Á gần Việt Nam, như: Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Do đó, Việt Nam đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tính đến từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó có 8% trẻ 6-12 tuổi. Toàn quốc đã ghi nhận 165 trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% tổng tử vong chung, trong đó 0,1% là trẻ từ 6 - 12 tuổi. Những trường hợp trẻ mắc COVID-19 viêm đa hệ thống (MIS-C) tuy hiếm, nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến thể Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm vắc-xin COVID-19.

ĐỒNG VĂN