Tiktok là ứng dụng xã hội "hot" nhất năm 2021. Ảnh: ITC

Trong năm 2021, các ứng dụng đặt ảnh và video làm trung tâm của trải nghiệm người dùng đã thống trị ngành ứng dụng xã hội. Bất chấp những lo ngại về quyền riêng tư và những điều tương tự, các ứng dụng mạng xã hội như Tik Tok và Instagram, chủ yếu dựa vào ảnh và video, vẫn là ứng dụng xã hội hàng đầu năm ngoái. Chỉ riêng chi tiêu quảng cáo trên TikTok trong tháng 1 vừa qua đã vượt mức 3 tỷ USD.

Trên thực tế, TikTok là ứng dụng dẫn đầu về mức độ tương tác của người dùng trong năm 2021. Theo báo cáo của App Annie’s State of Mobile 2022, người dùng TikTok trên toàn cầu, ngoại trừ Trung Quốc, trung bình dành khoảng 19,6 giờ mỗi tháng cho ứng dụng. Con số đó ngang bằng với Facebook (ứng dụng xã hội số 1 theo thời gian được sử dụng trên toàn cầu trong năm 2021) và cao hơn WhatsApp và Instagram. Sự khác biệt lớn đối với TikTok là quỹ đạo tăng trưởng của ứng dụng này đã cao gấp 4,7 lần trong vòng 4 năm. Vào năm 2018, mức tương tác trung bình hàng tháng của TikTok chỉ khoảng 4,2 giờ.

Trong khu vực Đông Nam Á, báo cáo tiết lộ rằng TikTok đã vượt mặt Instagram tại Singapore để đứng thứ 3 trong năm ngoái về số giờ trung bình hàng tháng dành cho mỗi người dùng theo tổng thời gian dành cho các ứng dụng xã hội với 16,4 giờ, trong khi Instagram là 9,9 giờ. Facebook vẫn giữ vị trí số 1 với 18,2 giờ, tiếp theo là WhatsApp với 17 giờ.

“Các ứng dụng xã hội tập trung vào ảnh và video chiếm 70% thời lượng dành cho thiết bị di động trong năm 2021. Người tiêu dùng có xu hướng muốn tìm kiếm những nội dung dễ hiểu do người dùng tự tạo ra, video dạng ngắn và trải nghiệm chân thực thông qua phát trực tiếp (livestream). Làn sóng TikTok bùng nổ mạnh trong năm ngoái khi người dùng dành nhiều thời gian hơn đến 90% so với năm 2020, vượt xa tốc độ tăng trưởng của thị trường 9X (thế hệ những người sinh từ năm 1990-1999), với thời gian trung bình trên mỗi người dùng vượt quá 27 giờ/tháng ở một số thị trường. 

Theo các nhà phân tích, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, nhiều nước phải áp đặt các biện pháp phong toả và hạn chế đi lại khiến hầu hết người dân phải sinh hoạt cũng như làm việc tại nhà. Điều này vô tình trở thành “cơ hội tốt” cho các ứng dụng di động và các nền tảng di động phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2021, TikTok thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc) cũng là ứng dụng có nhiều lượt tải xuống nhất trên toàn thế giới, theo thống kê của Apptopia.

Dữ liệu cũng cho thấy trong năm 2021, 25 ứng dụng phát video trực tiếp hàng đầu đã đóng góp 3,8 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi TikTok vẫn đang ở vị trí dẫn đầu, những ứng dụng mới cũng đang hiện diện và nỗ lực xây dựng lượng người theo dõi riêng. Ví dụ: Bigo LIVE của Singapore xếp hạng số một về chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu trong các ứng dụng xã hội trong năm 2021.

Thật thú vị, báo cáo cũng nhấn mạnh sự gia tăng của các ứng dụng xã hội avatar (hình đại diện). Trong bối cảnh metaverse đang trở thành đề tài trên khắp thế giới, các ứng dụng này kết hợp sự tự thể hiện sáng tạo, nội dung do người dùng tự tạo và cộng đồng trực tuyến. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với các trò chơi metaverse đã dẫn đến sự gia tăng đột biến trong các ứng dụng xã hội dựa trên hình đại diện. Báo cáo dự đoán trong năm nay, ngành công nghiệp trò chơi metaverse sẽ tăng lên hơn 3,1 tỷ USD trong chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng cho các cửa hàng ứng dụng.

Tố Quyên (Lược dịch từ Cnet)